Khách Trung Quốc qua Việt Nam tăng trưởng mạnh: Mừng hay lo?
Du lịch - Ngày đăng : 11:54, 12/09/2017
Lẽ thường trong du lịch, khách tăng, ai cũng mừng; nhưng với khách Trung Quốc thì ngược lại. Nhiều người bảo “Mừng ít lo nhiều” vì đủ thứ lý do. Nào là khách Trung Quốc xấu xí, ồn ào, quậy phá, thô lỗ, keo kiệt…Có thật vậy không? Cá biệt có nhà hàng còn treo bảng “Không tiếp khách Trung Quốc”. Nói chung, khách Trung Quốc tăng thì “Lợi bất cập hại” với rất nhiều hệ lụy mà hậu quả nhãn tiền là tour 0 đồng, là những hành xử vi phạm pháp luật, văn hóa và cả chủ quyền Việt Nam.
Làm kinh doanh, khách nào tăng cũng mừng
Tôi không nghĩ vậy và biết chắc sẽ có không ít người phản đối, thậm chí ném đá. Đã làm kinh doanh thì khách nào tăng cũng mừng. Khách tăng thì doanh thu và lợi nhuận tăng, có thêm công ăn việc làm. Miễn là mọi việc không vi phạm pháp luật. Năm 2016, lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam là 2,7 triệu; trong đó chừng 1/3 là đi đường bộ mà Việt Nam đã hoảng. Nào là không quản lý được, thiếu hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung. Rồi khách Trung Quốc tùy tiện, thô lỗ, thao túng thị trường, lũng đoạn kinh tế….
Thái Lan, không có biên giới chung với Trung Quốc, khách toàn đi đường bay nhưng năm 2016 đón hơn 8 triệu khách Trung Quốc. Việt Nam có 7 tỉnh giáp Trung Quốc, đường biên giới chung là 1.350 km với 6 cửa khẩu quốc tế, 17 cửa khẩu quốc gia; đáng lẽ phải đón được 15 triệu khách Trung Quốc mới tương xứng. Do đặc thù về văn hóa, xã hội, một số khách Trung Quốc hành xử thiếu lịch sự, xấu xí không riêng gì ở Việt Nam. Chẳng nước nào từ chối hay tẩy chay khách Trung Quốc. Phê phán mạnh mẽ, xử lí kiên quyết nhưng vẫn niềm nở chào mời.
Chê khách Trung Quốc xấu xí. Thử nhìn lại khách Việt, chắc gì hơn họ. Mình là chủ mà chẳng biết giữ gìn vệ sinh, nền nếp, lễ giáo… thì nói chi đến khách lạ. Ra nước ngoài, khách Việt được cảnh báo nhiều hơn khách Trung Quốc. Thiên hạ bảo “Khách Trung Quốc dễ tính và rất chịu mua hàng”. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (The World Tourism Organization - UNWTO) cho biết, từ 2015, du khách Trung Quốc dẫn đầu thế giới về khả năng chi tiêu. Khách Trung Quốc qua Việt Nam đâu biết mua gì, vì toàn hàng “China”.
Xã hội nào cũng có mặt trái. Dân tộc nào cũng có người này, người khác. Tôi đã gặp khách Trung Quốc ở Moskva, Paris, New York, Tokyo…thấy đa phần họ lịch sự, chịu khó nghe thuyết minh, tìm hiểu văn hóa bản địa hơn nhiều khách Việt. Người Trung Quốc qua Việt Nam được tiếp đón niềm nở, bình đẳng, lịch lãm chứ không giống như tuyên truyền “bịa đặt” của nhà nước Trung Quốc. Người Việt qua du lịch Trung Quốc cũng giúp người Trung Quốc hiểu hơn bản chất hữu nghị, văn hóa, kiên quyết của dân tộc Việt Nam. Phân biệt đối xử, tẩy chay đều là hạ sách; không phải là người quân tử, bởi “Trí thì không Nghi người, Dũng thì không Sợ người, Nhân thì không Hại người”.
Du lịch Việt Nam, nhiều nỗi lo
Tôi chỉ lo về phía mình. Quản lý thì lỏng lẻo, thiếu tầm nhìn, chưa giúp đỡ hoặc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Thiếu dự báo chính xác. Hoặc chạy theo khách phong trào, chỉ thấy lợi trước mắt, quay lưng với các thị trường ổn định. Hoặc đóng cửa tẩy chay. Các doanh nghiệp, các địa phương thì “Mạnh ai nấy làm”, sẵn sàng bán rẻ lợi ích của ngành, của đất nước; tiếp tay cho tour 0 đồng, cho các đầu nậu Trung Quốc thao túng thị trường. Từ việc bán giấy phép, bảo kê cho đầu nậu Trung Quốc, để Trung Quốc núp bóng làm tour 0 đồng, mở các cửa hàng chặt chém…
Tôi còn lo canh cánh việc thiếu hướng dẫn viên (HDV). Chưa dám bàn đến chất, chỉ lượng thôi đã thiếu trầm trọng. Năm 2016, Việt Nam đón hơn 10.000.000 lượt khách quốc tế, chưa kể khoảng 6.500.000 người Việt ra nước ngoài nhưng tính đến ngày 1.9.2017, cả nước chỉ có 11.784 HDV quốc tế. Khách Trung Quốc và thị trường nói tiếng Hoa chiếm khoảng 4.500.000 người nhưng chỉ có 2.502 HDV tiếng Trung. Có 147 HDV tiếng Hàn phục vụ gần 1.600.000 khách Hàn Quốc. Khách Nga thì đỡ hơn với 478 HDV tiếng Nga. Lực lượng mỏng như thế, không hỗn loạn mới là lạ.
Trước thực trạng “ngổn ngang” của du lịch Việt Nam, có mấy việc cấp bách cần ưu tiên.
1. Đào tạo bổ sung cấp tốc lực lượng HDV, đặc biệt là tiếng Trung và tiếng Hàn. Tiếng Trung lấy nguồn từ người Hoa tại chỗ, chỉ cần hết lớp 12 (Luật cũ phải có bằng đại học. Luật mới chưa áp dụng, hạ xuống còn Cao đẳng). Tương tự, tiếng Hàn lấy nguồn hợp tác lao động về. Đào tạo nghiệp vụ 6 tháng (có thể vừa làm vừa học) rồi nâng cao dần.
2. Hoạch định và dự báo nguồn khách để chủ động đón tiếp và phục vụ theo từng phân khúc thị trường. Không phân biệt đối xử hay chê bai khách nào cả. Đào tạo nguồn nhân lực bám sát nhu cầu thực tế của từng thị trường.
3. Mình là chủ, phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, để khách noi theo. Khách nào đến nhà vi phạm, cứ xử nghiêm theo luật định. Chủ nhà có quyền từ chối, trục xuất hoặc tống giam theo pháp luật. Đặc biệt là xử thật nghiêm các đầu nậu Trung Quốc và những người Việt tiếp tay. Có thể cấm nhập cảnh, rút giấy phép có thời hạn đến vĩnh viễn, cấm hành nghề, thậm chí truy tố theo luật định. Các nước đều làm như vậy cả.
Được vậy thì khách nào tăng cũng mừng, không riêng gì Trung Quốc.
Suy cho cùng, mừng hay lo đều do mình quyết định.
Nguyễn Văn Mỹ (UV. BCH Hiệp Hội Lữ hành Việt Nam)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Trong 8 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước, là tháng đón số lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Trung bình mỗi ngày, Việt Nam đón hơn 40.000 lượt khách du lịch.
Trong đó, khách từ châu Á đạt hơn 6,3 triệu lượt người, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước, khách đến từ Trung Quốc đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 51,4%, chiếm hơn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam và hơn 41% số khách châu Á đến Việt Nam và; khách từ Hàn Quốc 1,5 triệu lượt người, tăng 49,3%.