'Cấm cửa’ căn hộ dưới 45m2: Một triệu năm nữa người nghèo vẫn chưa có nhà
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 18:47, 12/09/2017
Lo sợ vỡ quy hoạch đô thị
Sau khi Bộ Xây dựng đồng ý cho một công ty địa ốc tại TP.HCM được xây nhà ởthương mại với các căn hộ diện tích dưới 45m2, hôm qua (ngày 11.9), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị về việc không cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích nhỏ hơn 45m2.
Theo UBND TP.HCM, sau khi rà soát hàng loạt quy định trong Luật Nhà ở, thành phố nhận thấy căn hộ chung cư thương mại có diện tích tối thiểu không nên nhỏ hơn 45 m2. Chủ đầu tư có quyền lựa chọn tiêu chuẩn diện tích nhà ở thương mại khi triển khai dự án, thế nhưng phải đảm bảo quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở và nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt.
Theo UBND TP.HCM, hiện tại thành phố có tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học rất cao. Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại diện tích dưới 45m2 sẽ làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đồng thờidiện tích này sẽ phá vỡ quy hoạch và có nguy cơ xuất hiện những khu nhà “ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị.
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đi đến kiến nghị Bộ Xây dựng không cho phép xây căn hộ thương mại có diện tích dưới 45m2 trong khi chờ các điều chỉnh về tiêu chuẩn xây dựng nhà ở thương mại.
Còn cơ hội nào cho người nghèo mua nhà?
Trao đổi về kiến nghị này của UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng ông không đồng tình với kiến nghị này của UBND TP.HCM.
Theo ông, lãnh đạo thành phố đã quá cứng nhắc trong việc quy định căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 45m2 mà không tính toán tới nhu cầu ở thực của người dân. Bởi lẽhiện nay, nhu cầu người dân mua căn hộ mua nhà từ 30 - 40m2 là rất lớn. Nếu áp dụng nhà ở thương mại tối thiểu 45m2 thì 1 triệu năm nữa người nghèo vẫn chưa có nhà.
“Tại sao có một sự khác biệt giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội như vậy? Nhà ở xã hội là nhà phục vụ cho những người công chức, ăn lương nhà nước. Còn nhà ở thương mại là bán cho nhiều người. Vậy còn người nghèo, những người công nhân, buôn bán không có lương nhà nước họ ở đâu? Chúng ta bắt những người nghèo ở đô thị sống trong căn hộ 45m2thì làm sao họ với tới được. Chúng ta phải cho người nghèo được ở trong những căn hộ 25m2chứ không nhất thiết phải ép họ mua nhà 45m2"-ông Nguyễn Văn Đực nói.
Ông Đực cũng cho rằng trên thực tế có các khu nhà "ổ chuột" là do thiếu quy hoạch, người dân xây nhà trọ tự phát ở các khu vùng ven để đáp ứng nhu cầu nơi ở của công nhân, người lao động nhập cư. Nếu có quy hoạch chặt chẽ sẽ không sợ đẻ ra khu "ổ chuột". Nền kinh tế thị trường phải để cho doanh nghiệp tự chọn phân khúc, sản phẩm của mình. Không nên gò bó doanh nghiệp phải đầu tư nhà ở trên hay dưới, bao nhiêu mét vuông. Thực tiễn đã chứng minh, trước đây luật quy định chỉ được xây nhà trên 45m2nhưng không phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - nhận định diện tích nhà ở thương mại bao nhiêu thì thành phố hãy để thị trường giải quyết. Thị trường có nhu cầu thế nào thì sẽ có loại hình căn hộ đáp ứng đúng nhu cầu, không nên bắt doanh nghiệp phải xây dựng bao nhiêu nhiêu mét vuông. Còn việc quản lý nhà "ổ chuột" thì không chỉ khống chế diện tích trên 45 m2 là được,mà phải quản lý bằng cách khác.
Theo ông Châu, "ổ chuột" có hình thành hay không đều phụ thuộc vào khâu quản lý. Vấn đề không nằm ở diện tích căn hộ, mà là diện tích sàn nhà bình quân một người lớn hay nhỏ. Nếu một căn hộ mà 20 người ở thì đó mới là "ổ chuột".
“Chính phủ tới nay chưa ban hành quy chuẩn về diện tích của nhà ở thương mại. Việc thành phố kiến nghị nhà ở thương mại phải diện tích tối thiểu 45m2 là không nhất quán, bởi trước đó thành phố đã cho thí điểm căn hộ 38m2”, ông Châu nói thêm.
Phan Diệu