Quan niệm người già sa sút trí tuệ, không cần chữa trị là sai lầm
Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:23, 18/09/2017
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) hiện dân số Việt Nam có trên 10% người dân trên 60 tuổi đang ở thời kỳgià hóa dân số.
Dự kiến vào năm 2035 dân số Việt Nam sẽ có khoảng 20% người dân trên 60 tuổi. Như vậy, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo TS.BS Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm đúng mức.
Người già thường đa bệnh, suy yếu, dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy giảm hoạt động chức năng, giác quan... nhưng người thân trong gia đình không quan tâm đến việc chữa trị những chứng bệnh trên.
“Người Việt Nam có quan niệm các triệu chứng bất thường như: tổn thương, sa sút trí tuệ, suy giảm hoạt động chức năng, giác quan... là một phần tất yếu của lão hóa nên không cần chữa trị. Đây là một quan niệm sai lầm dẫn đến phát hiệntriệu chứng trễ ở người cao tuổi”, bác sĩ Thể nhấn mạnh.
Phân tích của bác sĩ Thể cho thấy có tới 83% người cao tuổi phải chịu đựng cảnh khó thở, 80% người cao tuổi chịu cảnh mệt mỏi, 45% người cao tuổi chịu cảnh đau đớn, 34% người cao tuổi chịu cảnh rối loạn tri giác.... ở những năm cuối đời của mình.
Chính vì thế bác sĩ Thể cho hay, nhân kỷniệm 26 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1.10.1991 – 1.10.2017) Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sẽ tổ chức Ngày hội chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chủ đề: “Phòng bệnh trước khi quá muộn” nhằm nâng cao nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam.
Tất cả người từ 60 tuổi trở lên khi đăng kí tham gia sẽ được các bác sĩ đầu ngành thuộc khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện tư vấn sức khỏe, kiểm tra sinh niệu, đường huyết và đo điện tim miễn phí; đồng thời được hướng dẫn tập dưỡng sinh, yoga và tham gia tọa đàm giáo dục sức khỏe về phòng ngừa các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Hồ Quang