VFF chọn HLV cho tuyển quốc gia: So bó đũa chọn cột cờ
Thể thao - Ngày đăng : 09:04, 14/09/2017
Có lẽ họ sợ?. Sợ cung cách làm việc của những ông chủ VFF, sợ sức ép từ những dư luận viên bàn phím, và sợ cả trình độ chung của mặt bằng bóng đá việt bị bơm phồng quá mức.
Theo nguồn tin chưa được VFF xác nhận, tổ chức này đã nhận được khoảng 10 hồ sơ ứng tuyển vào “ghế nóng” của đội tuyển Việt Nam thời hậu Hữu Thắng. Điều đáng nóI là trong những cái tên ứng cử này, không có nhà cầm quân trong nước nào tự đệ đơn ứng cử.
Đây được xem là điều không có gì bất ngờ sau khi chứng kiến những gì đã trải qua với các đồng nghiệp trong quá khứ mà gần nhất là “tấm gương” của Hữu Thắng. Cú ngã đau điếng ông thầy xứ nghệ vừa nếm tại SEA Games 29 có vẻ như đã khiến các thầy nội cảm nhận được áp lực khủng khiếp.
Phải rồi, tại một đất nước có hàng triệu HLV Online như việt nam thì ngay cả có giúp đội nhà thắng trận vẫn bị soi mói đủ kiểu chứ chưa nói đến thất bại.
Lương bổng cho HLV đội tuyển Việt Nam cao thật đấy nhưng áp lực, rủi ro phải đối mặt cũng tỷ lệ thuận. Bởi thế, hiện tại nó đang khiến chính những ứng viên tài năng từng khao khát cũng phải... “né”.
Bên cạnh bài học xương máu từ 3 HLV nội phải ra đi trong tủi hổ gần nhất gồm những cái tên như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng, những nhà cầm quân xuất sắc nhất tại việt nam hiện tại cũng quá hiểu nội lực của nền bóng đá và khả năng của đội tuyển đến đâu.
Sau chức vô địch AFF Cup 2008, nhiều người tự huyễn hoặc rằng bóng đá nước nhà đã vươn tới đẳng cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nhưng rủi thay, đó chỉ là sự ảo tưởng! bởi sau đó chúng ta vẫn thường sớm “rụng” tại các giải đấu vốn bị coi là “ao làng”.
Có bột mới gột nên hồ nhưng thẳng thắn nhìn nhận vào nội lực nền bóng đá để đưa đội tuyển đến thành công là điều vô cùng khó, đặc biệt sau khi niềm tin đã suy giảm rất nhiều sau cú vấp tưởng như bất ngờ nhưng lại rất thường tình tại Malaysia vừa qua.
Suốt nhiều năm, chất lượng cầu thủ Việt không hề được nâng lên, thậm chí còn thụt lùi so với thế hệ Công Vinh từng vô địch AFF Cup.
Chúng ta cũng không có nhiều cầu thủ đủ tốt để phân tách thành các đội riêng mà vẫn phải “dùng chung” từ các lứa U.18 đến U.23, hay đội tuyển phải lấy quân từ đội bé khiến đội hình thường xuyên vá víu.
Và nữa, khác với những Thái Lan, Malaysia, những đội bóng hàng đầu ở ĐNA. HLV cầm tuyển Việt Nam sẽ phải kiêm nhiệm luôn cả U.23 và U.22 nữa.
Hệ quả là họ khó chuyên tâm vào một việc khi phải chịu cảnh phân thân khi các cấp độ đội tuyển trùng lịch đấu với nhau dẫn đến nguy cơ thất bại cũng cao hơn.
Trong khi các HLV làm việc tại V.League áp lực ít hơn hẳn. Thế thì hà cớ gì họ phải mạo hiểm để khi không may, tuyển VN bị đáng bại ở một giải đấu nào đó, HLV trưởng bị đẩy ra đường thì họ càng khó tìm trốn dung thân hơn?
Cuối cùng, về phía VFF họ cũng đang nghiêng về phương án chọn HLV ngoại cho tuyển Việt Nam hơn là thầy nội. Điều này đã có tiền lệ sau mỗi lần những nhà cầm quân nội địa bị bật bãi.
Một khi VFF và người hâm mộ đã dồn niềm tin vào thầy nội nhưng không được đền đáp, người ta luôn có xu hướng bấu víu vào HLV ngoại để mà hy vọng vào sự khởi sắc dù rất mông lung.
Xin nói luôn, nếu như thầy ngoại lại đón nhận thất bại thì điệp khúc thầy nội sẽ xuất hiện tiếp theo. Nhiều năm qua, bóng đá Việt cứ trong cái vòng luần quẩn đó và giờ vòng quay đang gọi tên HLV ngoại quốc.
Minh Hùng