VCPMC sẽ bị 'tuýt còi' nếu như chưa tìm được sự đồng thuận khi thu tác quyền qua tivi

Văn hóa - Ngày đăng : 14:57, 15/09/2017

Sau khi dừng hơn ba tháng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu phí 25.000 đồng mỗi tivi một năm trở lại.

Các khách sạn phải trả phí tác quyền vì sử dụng hệ thống truyền hình cáp, số

Theo đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam cho biết đơn vị của ông được Cục Bản quyền Tác giả cho phép tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn từ ngày 19.8. Mức phí áp dụng không thay đổi 25.000 đồng mỗi tivi một năm. Trung tâm sẽ không truy thu các đơn vị chưa đóng tiền bản quyền trong thời gian dừng thu phí - từ ngày 26.5 đến 18.8.

Theo báo cáo của VCPMC, mức phí 25.000 đồng được tham khảo từ mức thu ở nhiều nước trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC) cung cấp. Ngoài ra, VCPMC cũng căn cứ điều kiện thực tế tại Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến các nhạc sĩ, tác giả, Bộ Tài chính và các cơ sở kinh doanh. Theo trung tâm, mức thu gần như không thay đổi trong 10 năm qua.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định hầu hết khách sạn hiện đang sử dụng các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet. Đại đa số các kênh truyền hình Việt Nam đều đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với trung tâm và hằng năm kê khai danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng để trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả. Trên cơ sở đó, việc phân phối đối với các tác phẩm âm nhạc Việt Nam phát trên các kênh truyền hình Việt Nam, trung tâm sử dụng danh mục do các đài, kênh truyền hình cung cấp để tiến hành đối soát và phân phối cho các tác giả Việt Nam.

Giải thích về mức phí 25.000 đồng/tivi/năm, đại diện VCPMC cho biết mức phí này được tham khảo từ mức thu ở nhiều nước trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC) cung cấp. Ngoài ra, VCPMC cũng căn cứ điều kiện thực tế tại Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến các nhạc sĩ, tác giả, Bộ Tài chính và các cơ sở kinh doanh. VCPMC cũng cho hay đã căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức nhuận bút trọn gói 25.000 đồng này.

Theo số liệu năm 2016 từ chi nhánh phía Nam của VCPMC, tổng số tiền tác quyền thu được từ lĩnh vực khách sạn, resort, cao ốc là hơn 3,5 tỉ đồng, số lượng hợp đồng đã ký ở lĩnh vực này là 389 hợp đồng. Cụ thể, 277 hợp đồng thu tại TP.HCM, 102 hợp đồng thu ở các địa phương khác: Thủ Dầu Một (Bình Dương), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh (Lâm Đồng), Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Vũng Tàu, Cần Thơ, 10 hợp đồng thu tại Đà Nẵng.

Không có điều luật nào quy định người không sử dụng âm nhạc phải trả tiền

Đưa ra quan điểm của mình, luật sư Lê Quang Vy - Công ty Luật Phước - Partners cho rằng: Trong khi các khách sạn cho rằng VCPMC cần xác định khách sạn có sử dụng âm nhạc qua tivi hay không thì mới được thu tiền thì nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC lại khẳng định: “Dù khách hàng có nghe hay không, khách sạn vẫn phải trả chúng tôi tiền. Họ có thể thắc mắc mức phí đắt hay rẻ. Chúng tôi hoàn toàn có thể nghiên cứu, điều chỉnh. Nếu họ dứt khoát không nộp tiền là phạm luật”. Và tôi biết chắc không có một điều luật nào lại quy định một cách bất công là buộc người không sử dụng phải trả tiền.

VCPMC chỉ có quyền thu khi chứng minh được các khách sạn có sử dụng âm nhạc của các nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC theo đúng quy định pháp luật. Khi chưa có quy định cụ thể của Chính phủ về việc này thì mức phí phải được thực hiện theo nguyên tắc sự thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp này các khách sạn chỉ là đối tượng mua đường truyền cơ sở hạ tầng phát sóng (không đồng nghĩa với chương trình phát sóng). Và hiện nay không có một điều khoản luật nào trong Luật SHTT buộc các đơn vị sử dụng cơ sở hạ tầng phát sóng phải có nghĩa vụ thanh toán bản quyền.

Nếu VCPMC thu phí các ti vi trong khách sạn thì chẳng khác nào sắp tới đây sẽ đến lượt các hãng taxi, vì thực tế các taxi đều có trang bị máy radio.” – luật sư Quang Vy chia sẻ.

VCPMC sẽ tiếp tục bị “tuýt còi” nếu như chưa xác định được quyền tác giả âm nhạc cụ thể

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên cụ thể hơn về việc thu tác quyền qua tivi lần này, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả lại cho rằng: Hồi tháng 5.2017, Cục bản quyền tác giả có yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả tạm dừng ngay việc thực hiện thu tiền tác quyền tại khách sạn cho tới khi xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác sử dụng. Sau đó, tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện được những yêu cầu đó chưa để tiếp tục thu? Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải thông tin rõ ràng, minh bạch đến báo chí cũng như dư luận. Nếu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục thu mà lại bị các khách sạn hoặc dư luận phản ứng thì Cục Bản quyền tác giả sẽ phải tiếp tục "tuýt còi" ngay về quy định này".

Bên cạnh đấy, ông Hùng cũng nhấn mạnh thêm: "Việc thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn là quyền dân sự, khi nào Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xác định được rõ những vấn đề trên, xây dựng được biểu mức tiền phù hợp với thực tiễn hiện tại và được sự đồng thuận với bên khai thác, sử dụng tác phẩm thì mới tiếp tục thu. Còn nếu hai bên không thỏa thuận được mức tiền quyền tác giả âm nhạc thì có thể kiện ra tòa án để giải quyết."

VCPMC thừa nhận sẽ khó khăn trong việc thu phí tác quyền qua tivi

Trước thực tế, rất khó để kiểm đếm số lượng ti vi của các phòng khách sạn, ông Phương cho rằng, Trung tâm chỉ thu tiền tác quyền từ các cơ sở sử dụng ti vi tăng khả năng thu lợi nhuận. Các cơ sở này phải có nghĩa vụ chia sẻ lợi nhuận cho các tác giả. Nếu đơn vị nào khẳng định được ti vi đó không sử dụng nhạc từ quảng cáo, xem phim hay bất kỳ phương diện thể hiện khác thì sẽ không phải đóng tác quyền âm nhạc trên ti vi. Hơn nữa Trung tâm cũng để các đơn vị kinh doanh chủ động kê khai số lượng ti vi của mình, chứ không tổ chức một lực lượng kiểm đếm.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng thừa nhận chưa có đủ năng lực về tài chính để đầu tư kỹ thuật, thiết bị hiện đại nhằm “đo đếm” chính xác tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình. Việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các Đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (mỗi năm 1 lần). Số tiền thu được, Trung tâm thực hiện phân phối vào quý 4 mỗi năm. Đây là phương án phân phối tối ưu nhất mà Trung tâm đã tham khảo các tổ chức thành viên quốc tế đối với hình thức cấp phép và thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc thông qua thiết bị truyền tải ti vi tại các phòng lưu trú của khách sạn.

Có thể thấy, VCPMCtiến hành thu tiền tác quyền đối với việc sử dụng ti vi trong các khách sạn là học tập ở một số nước có những quy định về bản quyền rõ ràng, những công cụ “đo đếm” chính xác, được tiến hành minh bạch. Đây là những điều kiện chưa hội tụ đủ ở Việt Nam. Trong khi mọi thứ còn chưa rõ ràng, chưa tạo được sự đồng thuận giữa các bên liên quan thì việc làm của VCPMCtất sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, nhất là đối với chủ trương phát triển du lịch của đất nước. Và câu chuyện về thu phí tác quyền qua ti vi tại các khách sạn sẽ vẫn chưa có hồi kết.

Dạ Thảo

Hải Yến