PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: ‘Khó đánh thuế tiền gửi tiết kiệm’
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:10, 16/09/2017
Lãi suất tiền gửi không cao so với thu nhập và lạm phát
Tại hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật do VCCI tổ chức mới đây, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) kiến nghị Bộ Tài chính quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. Ví dụ, nếu thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế.
Ông Đức cho biết, hiện nay, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồngthì cần phải đưa vào diện nộp thuế.
"Lâu nay chúng ta đã quá yêu chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới hai trăm triệu đồng thì như vậy phải gọi là đầu tư rồi", ông Đức nói và nêu rằnghiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là một trong những kênh giúp "tiền đẻ ra tiền" an toàn và hiệu quả của người dân. Lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6-7%/năm. Để thu về khoản lãi 200 triệu đồng một năm từ tiền tiết kiệm, khách hàng phải mở sổ giá trị khoảng gần 3 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là điều bình thường và nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. “Đã là một khoản thu nhập thì phải đóng thuế cho chính quyền. Điềuđó là đương nhiên dù nguồn lợi đó đến từ hình thức kinh doanh nào”.
Tuy nhiên, theo vị này, ở Việt Nam thì việc đánh thuế tiền gửi này “là cả một vấn đề”, bởi vì lãi suất tiền gửi không cao so với thu nhập từ thực tế của người Việt Nam và càng không cao so với độ mất giá của đồng tiền.
“Trong các năm trở lại đây lạm phát có giảm, mất giá đồng tiền cũng đỡ hơn nhưng thực sự mà nói thì tiền lãi đó nó không nhiều để mà đánh thuế. Còn với một số cá nhân có tiền gửi cao thì chúng ta cũng cần xem xét đề xuất này. Tuy nhiên, tôi nghĩ những người này cũng không nhiều, bởi vì người có nhiều tiền, có ý chí họ mang đầu tư kinh doanh chứ không muốn gửi nhiều vào ngân hàng”, ông Thịnh nói.
Do đó, ông Thịnhcho rằng đề xuất này cũng cần xem xét nhưng giai đoạn trước mắt thì việc gửi tiền tiết kiệm của người dân vẫn nên khuyến khích và không nên đánh thuế vào cái lợi nhuận từ tiền gửi tiết kiệm của người dân nói chung.
Cũng theo vị này, về mặt nguyên tắc thì phải khuyến khích những người có tiền đem vào đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, với những người có khoản tiền nhưng không biết đầu tư vào gì, không có thói quen kinh doanh mà để tiền ở nhà thì chi bằng khuyến khích họ gửi vào ngân hàng, dù sao cũng có thêm một phần lãi suất, ngân hàng cũng có thêm vốn để đưa vào nền kinh tế.
Nêu quan điểm về đề xuất này trên tờ Reatimes, chuyên gia kinh tế - TSNguyễn Minh Phong khẳng định: “Đólà một ý kiến tồi vìphần lớn những người gửi tiết kiệm đều là đối tượng chính sách và người nghèo. Họ có ít tiền gửi tiết kiệm để bổ sung vào lương còi mà đánh thuế thì xã hội không nhân văn. Thứ hai nữa ngân hàng đang tăng tín dụng mà đánh thuế, người ta sẽ không gửi nữa thì lấy đâu ra tiền huy động”.
Lãi tiền tỉ sao lại miễn thuế?
Nói rõ hơn về đề xuất của mình, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng mình không đề xuất việc đánh thuế thu nhập với các khoản thu nhập lãi tiết kiệm thấp cỡ 2 lần khởi điểm đánh thuế thu nhập (dưới 240 triệu đồng/năm). Và đề xuất đánh thuế tính riêng khoản thu nhập này, chứ không nhập chung với lương lậu được miễn thuế thu nhập 108 triệu, dự kiến 120 triệu/năm từ 2019. “Tức là nôm na, có thu nhập cỡ 360 triệu đồng/năm trở lên mới tính chuyện đánh thuế vào khoản lãi ngân hàng phần trên đó”.
Vị này cho rằng, chính sách, pháp luật thuế còn nhiều bất cập. Cá nhân bán nhà, chuyển nhượng chứng khoán dù lỗ thì hầu như vẫn phải nộp thuế thu nhập theo quy định hiện nay, trong khi lãi tiền gửi tiền tỉ thì lại miễn thuế? Không phải chỉ tiền gửi tiết kiệm, mà là cả thu nhập từ tiền gửi khác như hợp đồng tiền gửi hay mua trái phiếu, kỳ phiếu ngân hàng. Thu nhập tiền lương của cá nhân cộng với hầu hết các khoản thu nhập khác, có khi phải nộp thuế đến 35% (thu nhập của doanh nghiệp chỉ đánh không quá 20%, trong khi những năm 1990 lên tới 50%, chưa kể đánh bổ sung 30%).
Cùng với đó, bên cạnh gửi tiết kiệm, Nhà nước cũng khuyến khích mang đi góp vốn, mua cổ phần. Thu nhập từ các khoản này nói chung, từ cổ tức ngân hàng nói riêng thì 1 đồng cũng bị đánh thuế thu nhập 5%. Thu lãi cỡ vài trăm triệu trở lên mà nộp 5%, bằng với mức thuế cổ tức thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trong khi thu nhập từ tiền lương và gần như tất cả các khoản khác cộng lại ở mức này đang bị đánh thuế khoảng 20%, nếu cao nữa thì có thể lên tới 35%.
Về đề xuất đánh thuế theo năm, kết quả là nếu gửi hàng chục, hàng trăm tỉ đồng suốt năm này qua năm khác, thu lãi hằng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ, thì là đại gia, là kinh doanh chứ đâu phải khó khăn, nghèo khổ?
Luật sư Đức cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm khuyến khích gửi tiết kiệm nên không đánh thuế thu nhập từ thu nhập lãi. Nhưng hợp lý hơn thì phải khuyến khích người có nhiều tiền chuyển sang đầu tư, kinh doanh, chứ sao lại khuyến khích gửi ngân hàng? Nếu chỉ nhấn mạnh khuyến khích gửi ngân hàng thì không phù hợp với thời kinh tế thị trường và tự do dinh doanh.
Cũng theo vị này, nếu vì đánh thuế tiền lãi tiết kiệm mà người ta phân nhỏ thành các khoản tiền gửi không quá 4 tỉ đồng tại mỗi ngân hàng thì còn có thêm công bằng, hy vọng cho ngân hàng nhỏ và an toàn hơn cho chính người gửi tiết kiệm, vì người gửi chỉ được bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng.
Hoài Phong