Cẩn trọng với những ‘quả lừa’ khi mua đất nền
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:00, 17/09/2017
Hàng trăm người dính “quả lừa” từ môi giới
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thời gian vừa qua, thị trường đất nền sốt ảo đã kéo theo nhiều dự án còn mập mờ pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn bán ra cho người mua, khiến người mua bị thiệt hại nặng.
Ông Châu cho biết người mua đã từng dính những “quả lừa” trong quá khứ, chẳng hạn tại thành phố mới Nhơn Trạch. Nhiều môi giới đã đưa ra “bánh vẽ” cho nhà đầu tư, người mua.
“Mới đây, chúng tôi đã nhận được đơn kêu cứu của 300 người dân và của chủ đầu tư đối với 2 công ty môi giới. Họ cónhững thủ đoạn như đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để không thể tìm được chủ đầu tư và vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm thắt nhiều tiện ích không có trong dự án và thay đổi giá của chủ đầu tư. Giá chủ đầu tư bán có 300 triệu đồng/nền thì đơn vị môi giới kê thêm150, 200 triệu, thậm chí gấp đôi.
Ngoài ra, các đơn vị trên còn dùng "chim mồi" để dẫn dắt khách hàng đi các dự án khác với dự án ban đầu.Chẳng hạn, phía môi giới mời bà con đi mua đất quận 2, đón bà con lên xe rồi nói chỗ này đất đã bán hết hàng, rồi dùng chim mồi hỏi còn chỗ nào khác thì dẫn đi xem, vậy là tiếp theo đó họ dẫn đoàn đi Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom… Những hành vi trên, cần các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cho rằng cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý chặt chẽđể làm sao không xảy ra tình trạng đầu cơ lũng đoạn, ngoài ra phải có công cụ hữu hiệu về tín dụng, về thuế suất thuế đầu cơ đểhạn chế tình trạng này.
“Hiệp hội đã gửi khoảng 20 văn bản cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch đã chỉ đạo cho Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh để triển khai xử lý vấn đề nhưng đến nay thực sự chúng tôi cũng không biết kết quả xử lý như thế nào”, ông Châu chia sẻ.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai nói rằng nhà môi giới bất động sản nói trên đăng ký kinh doanh ở TP.HCM. Vụ việc này, Bộ Công an đã vào cuộc.
“Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã vào cuộc và giao cho địa phương kiểm tra tình trạng sản phẩm đã đưa ra thị trường chưa. Hiện chúng tôi đang chờ đợi kết luận Bộ Công an", ông Lâm cho biết.
Người mua cần cẩn trọng
Để tránh rủi ro khi giao dịch đất nền thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Lâm nói rằng, đối với thông tin minh bạch, ngoài quy hoạch chi tiết mà Đồng Nai đã công khai trên website của tỉnh, thì Bộ Xây dựng có giao các sở xây dựng và UBND địa phương thành lập ngay hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản. Dự kiến, tháng 11 tớisẽ tổ chức tập huấn phần mềm để kết nối toàn quốc, qua đógiúp nhà đầu tư kiểm tra các thông tin quy hoạch của tỉnh, của dự án của chủ đầu tư…
Trong khi đó, luật sư Lâm Đăng Phúc - Phó giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp cho biết khi mua bán nhà đất thông qua giấy viết tay, nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là sai luật. Khách hàng sẽ là người chịu thiệt hại hết khi xảy ra tranh chấp.
Còn nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thông thường những trường hợp này lại không đủ điều kiện để giao dịch, chẳng hạn phát sinh vấn đề thừa kế. Một trong những người thừa kế đó bán đi, thì người mua vào những trường hợp này dễ gặp tranh chấp và sẽ chịu phần thiệt.
Theo luật sư Phúc, tình trạng mua bán đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô bán nền cũng ngày càng phổ biến. Trong trường hợp này, chủ đầu tư thường sẽ không thông qua trình tự quy định, mà tự phân lô bán. Những người mua đất nền trong trường hợp này rất dễ gặp rủi ro khi làm thủ tục giấy tờ hoặc không thể làm được.
“Có những trường hợp dự án đất nền tạm gọi là chính thống, đúng thủ tục pháp luật nhưng do phân phối qua đơn vị môi giới và nhiều môi giới sử dụng chiêu trò. Chẳng hạn, người môi giới bằng nhiều thủ thuật và móc nối với các bên để tự nhận là chủ đầu tư dự án, viết các hợp đồng mua bán nhưng thực tế người mua sẽ không thể ra sổ vì không phải hợp đồng được ký với nhà đầu tư thực thụ. Để giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ những chủ đầu tư, sàn môi giới và tìm địa chỉ tin cậy, uy tín”, luật sư Phúc nói thêm.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằngbên cạnh quy hoạch 1/500 thì điều quan trọng nữa là thông báo của Sở Tài chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính như đóng tiền sử dụng đất chưa, bao nhiêu… Đây là những điều người mua cần phải biết.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs nói rằngđối với đất nền, pháp lý cao nhất là bản quy hoạch 1/500 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi đầu tư, người mua cần để ý cácyếu tố: vị trí dự án; kết nối vùng; cơ sở hạ tầng. “Tôi có lời khuyên cho nhà đầu tư là hãy chậm lại, rà soát pháp lý thật kỹ để tránh rủi ro", bà Tú nói.
Phan Diệu