TP.HCM muốn Grab, Uber ngưng kết nối xe mới
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:18, 19/09/2017
Đề nghị Grab, Uber tạm thời ngưng kết nối thêm xe mới
Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT TP) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất giải pháp quản lý loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử.
Theo đó, về giải pháp trước mắt, Sở GTVT TP sẽ cung cấp danh sách xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống được sở cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cho Công an TP.HCM nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác kiểm tra xử lý vi phạm của các lực lượng công an.
Từ đó, Sở này đề nghị Công an TP chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm đối với xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Các hành vi vi phạm quy định mà Sở GTVT TP đưa ra bao gồm điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu; không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe; không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động…
Mặt khác, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý tình trạng xe ô tô không có phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng tham gia hoạt động vận tải, kể cả xe được Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp phù hiệu nhưng hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Đáng chú ý, Sở GTVT TP cũng đã có văn bản gửi các đơn vị cung cấp sử dụng phần mềm như Grab, Uber tạm thời ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới nhằm ổn định hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố. Việc này để chờ Bộ Giao thông vận tải tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng khuyến cáo các cá nhân, đơn vị vận tải cân nhắc đầu tư thêm xe mới (xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống) để đưa vào tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng nhằm tránh các khó khăn khi điều chỉnh quản lý đối với loại hình này sau giai đoạn kết thúc thí điểm.
Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT TP sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bến bãi để đáp ứng nhu cầu về đậu, đỗ nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ - CP, trong đó quy định chặt chẽ về quản lý hoạt động của loại hình Uber, Grab; cũng như điều chỉnh các điều kiện kinh doanh taxi nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát huy ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để quản lý.
Đưa Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”
UBND TP.HCM đã chính thức đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải, đưa Uber và Grab vào loại hình taxi mới nhằm đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải, theo loại hình taxi truyền thống.
Theo đó, để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, TP.HCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình "taxi mới", trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, có sự khác biệt giữa loại hình taxi mới với taxi truyền thống. Về giá, taxi truyền thống thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Riêng đối với taxi mới cũng cần có quy định cụ thể về giá.
Về phương án nhận diện, taxi truyền thống phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó. Còn với taxi mới: xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Về phù hiệu: taxi truyền thống sử dụng phù hiệu hiện tại; đối với taxi mới cũng cần quy định loại phù hiệu mới.
UBND TP.HCM đề xuất nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber, Facecar...) tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi.
Khi triển khai thí điểm hình thức đi chung xe, UBND TP.HCM đề nghị dịch vụ đi chung xe chỉ áp dụng cho xe 9 chỗ trở xuống, đồng thời mỗi chuyến xe chỉ thực hiện tối đa hai hợp đồng nhằm tránh xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc". Đặc biệt phải có nhận diện riêng (dán trên phương tiện) để áp dụng cho hình thức đi chung xe này nhằm có cơ sở kiểm tra, xử lý.
Phan Diệu