Chùa Bồng Lai của 2 'sư thầy hát Bolero hot nhất Việt Nam' nằm ở đâu?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:23, 21/09/2017
Nhà sư không thể đi thi hát!
Những ngày qua, thông tin “2 sư thầy hát Bolero hot nhất Việt Nam dự thi Tuyệt đỉnh song ca 2017” của 1 đài truyền hình làm xôn xao dư luận, nhiều thông tin cho rằng 2 “sư thầy” này đã vi phạm giới luật của Phật giáo khi tham gia 1 cuộc thi ca hát thế tục.
Thông tin ban đầu từ Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, 2 thí sinh tên là Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991), hiện tu tại chùa Bồng Lai (H.Đức Hòa, tỉnh Long An).
Đại Đức Thích Thiện Danh, Trưởng Ban Thông tin truyền thông thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Long An, cho biết sau khi có thông tin về “2 sư thầy hát Bolero hot nhất Việt Nam”, ngày 17.9 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đã ra thông cáo nêu rõ: “2 sư thầy hát Bolero và sư thầy Trụ trì chùa Bồng Lai, Hòa thượng Thích Tâm Đức, là những nhà tu giả danh”.
3 thầy trò “sư giả chùa Bồng Lai”. Hòa thượng tự xưng Thích Tâm Đức ngồi giữa
Theo Đại đức Thích Thiện Danh, 2 người có tên Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên được cho là đang tu tại chùa Bồng Lai (H.Đức Hòa, tỉnh Long An) cùng với người được gọi là Hòa thượng Thích Tâm Đức (Trụ trì chùa Bồng Lai) là những danh xưng tự phong. 3 cá nhân này giả dạng nhà tu, đã có những việc làm sai trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, sự trang nghiêm của GHPGVN tỉnh Long An.
“Trên địa bàn, GHPGVN tỉnh Long An không cho phép, không chấp nhận bất kỳ cá nhân nào đã xuất gia, từ Tăng, Ni đến chú tiểu tham gia hoạt động thi văn nghệ, ca hát trong các chương trình thi thố thế tục. Giới luật nhà Phật không cho phép và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An quản lý Tăng sự dựa trên giới luật. Nếu cá nhân nào có sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm”, Đại đức Thích Thiện Danh khẳng định.
Giải thích thêm việc trong các lễ hội của Phật giáo vẫn có sử dụng hình thức ca múa, Đại đức Thích Thiện Danh cho biết người xuất gia tu hành chỉ được phép dùng ca vịnh múa hát tán thán ngôi Tam Bảo để cúng dường lên Phật, Pháp, Tăng nơi pháp hội hoặc lễ hội truyền thống của Phật giáo, không được phép sử dụng danh nghĩa nhà Phật để đi thi múa hát trong những cuộc thi thế tục ngoài đời.
Ngôi chùa này nằm ở đâu?
“Thực chất 3 vị sư thầy này là những người tự mua đất cất nhà và tự đặt tên chùa; không có đăng ký hoạt động tu tập với Giáo hội và cơ quan hữu trách, tự cạo đầu mặc áo nhà tu; giáo phẩm “hòa thượng Thích Tâm Đức” là tự xưng và “2 người mang hình thức tu sĩ” xưng sư thầy thi game show là giả danh, không phải là tu sĩ của Phật giáo, họ tự cạo đầu, mặc áo giống hình thức tu sĩ Phật giáo”, Đại đức Thích Thiện Danh cho biết.
Sau khi bị dư luận và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An phản ứng gay gắt, đơn vị tổ chức cuộc thi “Tuyệt đỉnh song ca 2017” là Công ty Sen Vàng đã có thông cáo đính chính và xin lỗi về vụ “2 sư thầy hát Bolero hot nhất Việt Nam”.
Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, cho biết đang đề nghị các cơ quan hữu trách xử lý nghiêm vụ việc theo pháp luật hiện hành
Thông cáo nêu rõ: vềđịa điểm có tên chùa Bồng Lai như trong thông cáo báo chí, đây không phải là chùa mà là nơi những người có tinh thần hướng Phật lập ra để học tập những chân lý của Phật giáo. Họ cũng xuống tóc, mặc áo nâu nhưng là những người tu tập tại gia chứ không phải là nhà sư. Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên đã sống ở đây từ nhỏ.
Và mới đây, người tự xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức (86 tuổi), Trụ trì chùa Bồng Lai, đã có những phát biểu về việc tu hành của mình. Theo ông Tâm Đức, ông có đầy đủ giấy tờ để chứng minh “chùa nhà” của ông, là ngôi chùa hoang ở xã Hòa Khánh Tây, được ông mua lại từ 2 năm nay.
“Chùa của mình thì gọi là tịnh thất hoặc chùa tư nhân đều được. Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên là đệ tử của tôi, 2 con là trẻ mồ côi ở với tôi từ nhỏ. Từ trước đến nay tôi nuôi trên 200 em mồ côi, hiện tại Bồng Lai đang có 25 em mồ côi. Tôi không chỉ có tịnh thất Bồng Lai mà còn rất nhiều nơi ở các tỉnh thành nhưChâu Đốc, Cần Thơ, TP.HCM…”, ông Tâm Đức trình bày.
Trước những phát biểu của ông Tâm Đức, Đại đức Thích Thiện Danh cho biết: ông Tâm Đức và 2 đệ tử Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên chỉ là những người tu tại gia, không phải tu sĩ, nên không thể tự xưng ngôi nhà mình đang ở là “chùa Bồng Lai” và mình là sư thầy, hòa thượng.
“Việc 3 người này tự xưng “hòa thượng, sư thầy” đi thi hát đã sai, việc tự xưng nhà là chùa và nuôi trẻ mồ côi cũng sai. Nếu là người bình thường nhận nuôi trẻ mồ côi thì phải xin phép các cơ quan hữu trách; nhà chùa nhận nuôi trẻ mồ côi thì còn phải được sự cho phép của Giáo hội”, Đại đức Thích Thiện Danh khẳng định.
Trước đây vào cuối tháng 5, ông Tâm Đức đã từng tung thông tin tại chùa Bồng Lai xuất hiện hoa Ưu Đàm nhà Phật 3.000 năm mới nở 1 lần khiến dư luận xôn xao. Theo thông tin thì chùa Bồng Lai thuộc xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa.
Nơi gọi là chùa Bồng Lai, khá xập xệ
PV đã về H.Đức Hòa tìm chùa Bồng Lai, nhưng không thể nào tìm được, thậm chí vào tận Nghĩa trang Bồng Lai Viên ở xã Hòa Khánh Tây cũng không có ngôi chùa nào mang tên Bồng Lai.
Bà Trần Thị Kim Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây, khẳng định trên địa bàn không có ngôi chùa nào tên chùa Bồng Lai. Ông Hồ Cư, Trưởng Phòng Nội vụ H.Đức Hòa, khẳng định từ trước đến nay ông chưa từng nghe đến tên chùa Bồng Lai trên địa bàn huyện.
Theo Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, hiện tại Ban Trị sự đã yêu cầu các cơ quan hữu trách điều tra, làm rõ hoạt động tôn giáo trái phép của 3 cá nhân trên và xử lý sai phạm theo luật pháp hiện hành.
Thanh Anh