Đề xuất xóa bỏ cơ chế hội đồng trường do Bộ GD-ĐT chủ quản
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:44, 22/09/2017
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội), Bộ GD-ĐT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vào năm 2018. Hiện nay, nhiều ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi 2 luật này đang được gửi tới Bộ GD-ĐT. Quan điểm của Hiệp hội là việc sửa đổi, bổ sung nên được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành để phân loại những nội dung trong các điều còn chưa hợp lý, bất cập.
Chia sẻ ngay buổi tọa đàm, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội khẳng định với nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới đã được ban hành cách đây 4 năm có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn khá nhiều quy định không còn phù hợp nữa. Để tránh điều này thì cần có sự điều chỉnh các luật chuyên ngành để không bị ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành giáo dục trong tương lai gần.
"Khi sửa đổi phải bảo đảm hệ thống giáo dục quốc dân là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học có THCS và trung học toàn phần (trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng THPT và trung học hướng nghiệp); giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp; giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ''.
Phát biểu về vấn đề "quyền của hiệu trưởng là cao nhất" ngay trong chính nhà trường, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng khẳng định với hội đồng nhà trường phải do chính các giảng viên nhà trường bầu lên theo số phiếu hợp lệ và họ cũng có quyền hạn như hội đồng quản trị.
"Ở các trường công lập, quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường… theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng là đang ngầm định rằng hiệu trưởng có quyền hạn cao hơn hội đồng trường. Như vậy là không phù hợp. Chúng ta cần chấm dứt tình trạng đó để các thành viên chính là giảng viên các trường có quyền bầu những hiệu trưởng uy tín, có trách nhiệm trong lòng họ. Thậm chí có quyền phế truất hiệu trưởng khi có những sai phạm và đủ các phiếu bầu phế truất." - ông Nghị nói.
Trong vấn đề để nâng cao chất lượng giảng dạy sinh viên ngay tại các trường ĐH, GS Nghị cũng cho hay sinh viên Việt Nam đang bị phân biệt đối xử một cách khá rõ rệt ngay với môi trường học tập. Các trường ĐH công lập, ngoài việc được nhà nước hỗ trợ học phí họ còn được tài trợ các chương trình chính sách, vay vốn ưu đãi. Nhưng với các trường ngoài công lập, từ mầm non đến đại học, do không được cấp ngân sách của Nhà nước nên người học ở đây nhiều năm qua không được hưởng sự ưu đãi gián tiếp của Nhà nước. Không những thế sinh viên các trường ngoài công lập còn phải chịu đóng nhiều khoản thuế, như: thuế ở ký túc xá, thuế ăn uống, thuế gửi xe trong trường..., thậm chí cả tiền thuê đất của Nhà nước để xây dựng trường”, ông Nghị so sánh.
Các trường ĐH, CĐ công lập dù thiếu sinh viên vẫn có thể tồn tại do phương tiện và nhân lực còn được bao cấp. Nhưng các trường ngoài công lập chỉ có nguồn tài chính từ học phí của sinh viên; khi số sinh viên giảm đi và học phí không đủ để trang trải chi phí thường xuyên, cổ đông sẽ phải đóng thêm tiền và việc đóng góp thêm này sẽ không thể kéo dài.
Theo TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Ủy viên thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng việc sửa đổi luật giáo dục đại học là việc cần phải làm sớm. Việc mở rộng sự tự chủ đại học chính là xóa bỏ chế độ chủ quản ở luật giáo dục đại học.
"Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải được triển khai đồng bộ với việc gia tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở đó. Trong điều này, cần viết rõ hơn về trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại họccác trường phải công khai, minh bạch mọi hoạt động, phải chịu sự giám sát của Nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua hội đồng trường và các tổ chức kiểm định, kiểm toán.
Để khắc phục những khiếm khuyết của Luật giáo dục đại họchiện hành, trước hết cần điều chỉnh lại kết cấu của Dự luật, bổ sung nhiều nội dung mới cũng như sửa chữa những nội dung không chính xác. Công việc đó không thể chỉ cần một vài tháng với một vài chuyên gia. Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo một mặt cần khẩn trương làm việc nhưng mặt khác phải hết sức thận trọng trong khi chuẩn bị Dự thảo Luật giáo dục đại họcsửa đổi này"- ông Khuyến đưa kiến nghị.
Để nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống hệ thống giáo dục quốc dân, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, ở Điều 4 Luật Giáo dục cần được sửa đổi theo hướng: Hệ thống giáo dục quốc dân phải là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần.
Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp. Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp. Giáo dục ĐH đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Về cụm vấn đề tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi luật theo hướng hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. Thành lập hội đồng trường đi kèm với việc xóa bỏ cơ chế do Bộ chủ quản. Bổ sung vào nhiệm vụ của hội đồng trường quyền được chọn lựa hoặc phế truất hiệu trưởng nếu không thực hiện các quyết nghị của hội đồng.
Các ý kiến đóng góp này đã được Hiệp hội tập hợp gửi lên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, kiến nghị lên Quốc hội.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, hiện nay Vụ đang được giao phụ trách chuẩn bị dự thảo sửa đổi Luật GD ĐH. Theo kế hoạch vào tháng 1.2018 sẽ phải trình lên Chính phủ để trình tiếp Quốc hội vào kỳ họp tháng 5.2018. Dự kiến Luật GD ĐH sửa đổi sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 10.2018.
Cũng theo bà Phụng, do lần này là sửa đổi luật nên phải đảm bảo tính kế thừa và hiệu quả. Do đó, lần sửa đổi này sẽ chỉ điều chỉnh những vấn đề đang bức xúc nhất từ thực tiễn chứ không phải động đến tất cả các điều của luật trước đó. Bên cạnh đó, do thời gian ngắn nên sẽ không có đủ nguồn lực làm hết được tất cả các vấn đề đã đặt ra như kỳ vọng.
Dạ Thảo