Tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Đừng để cắt rồi mọc lại
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 23/09/2017
Các bộ ngành khác sẽ ứng xử ra sao?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc trao đổi nhanh với Dân Trí xung quanh quyết định được coi là "lịch sử" tại Bộ Công Thương:sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh.
Ông Tuấn ví tuyên bốcủa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là "phát súng đầu tiên", là một "công bố rất rõ ràng" mà báo chí, doanh nghiệp và dư luận có thể giám sát quá trình thực thi và hiệu quả của nó
Tuy nhiên, hầu hết các điều kiện kinh doanh hiện nằm ở các nghị định. Việc sửa nghị định thì phải có quy trình vàthời gian. Nghị định là của Chính phủ nhưng các cơ quan bộ lạitrực tiếp soạn thảo hầu hết các nghị định đó. Vậy vấn đề là phải làm sao không để các quyết tâm trên nằm ở kế hoạch treo.
Tuyên bố của Bộ Công Thương theo ông Tuấn cũng đặt ra câu hỏi là tiếp đến là bộ, ban ngành nào sẽ đứng ra tuyên bố gỡ bỏ các điều kiện kinh doanhđây? Các bộ sẽ ứng xử với "phát súng"của Bộ Công Thương ra sao?
Hiện nay do đặc tính và tiêu chuẩn ban hành các văn bản, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GTVTcó nhiều điều kiện kinh doanh nhất. Hiện các đề xuất dỡ bỏ điều kiện kinh doanh của Bộ GTVT đã được đưa lên và chấp nhận rồi, còn Bộ KH&CN thì chưa chuyển động thực chất.
Đại điện VCCI cũng hy vọng từ tuyên bố sẽcắt giảm 675điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tạo ra cú hích, động lực, chuyển động cho các bộ ngành khácvà cần xem đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.Người dân đang trông chờ vào các bộ hứa, cam kết và thực hiện.
Chỉ mới đi được 1/3 chặng đường
Cũng trao đổi về sự việc này, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập nhận định trên Trí Thức Trẻ rằng mọi vấn đề phải đi bằng 2 chân, giờ mới chỉ là 1chân. Việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh sẽ làm giảm nhanh các thủ tục phiền toái, giảm chi phí nhưng chúng ta phải có cơ chế để duy trì những thành quảđó. Bởi nếu không có những thay đổi về thể chế đi kèm thì chỉ một thời gian sau, điều kiện kinh doanh sẽ biến tướng dưới những hình thức khác.
Ông Đồng cho biết, một quốc gia khi sửa đổi các hệ thống về kinh doanh đều phải làm 2 việc: cắt bỏ và cải cách lại hệ thống quy định kinh doanh. Hệ thống quy định kinh doanh gồm 2nét lớn: ban hành và kiểm soát.
"Tôi cho rằng Chính phủ đã làm được một phần, là điều kiện cần để cải cách các vấn đề kinh doanh, nhưng chưa có điều kiện đủ. Điều kiện đủ là thể chế duy trì những cái đấy. Nếu không cắt rồi sẽ mọc, phải có cơ chế kiểm soát", ông nói.
Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm vào năm 2007, khi Chính phủ muốn dùng 1 nghị định để bỏ tất cả điều kiện kinh doanh. Để thực hiện, từ năm 2000, 1 điều kiện về mặt kỹ thuật luật đã được cài vào. Theo đó, chỉ có các cơ quan, Chính phủ, Quốc hội mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng thực chất sau đấy các bộ ngành đều thoải mái ban hành, không ai cắt bỏ gì cả.
Đến năm 2006, khi làm luật Doanh nghiệp sửa đổi, Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định kể từ 1.9.2007, nếu những điều kiện kinh doanh nào còn nằm ở cấp thông tư sẽ tự động hết hiệu lực, mục tiêu “tiêu huỷ” toàn bộ điều kiện kinh doanh trái phép. Nhưng có nghị định lại không ai thực hiện...
"Như vậy, nếu lượng mà không đi kèm chất thì sẽ không thành hiện thực được. Tương tự như bây giờ, chúng ta mới bỏ được số lượng nhưng chưa bàn đến chất lượng. Chúng ta mới làm được 1/3 chặng đường", ông Đồng nhận định.
"Cải cáchthực chất là việc khó, khó hơn nhiều so với việc cắt giảmvốn chỉ là về mặt kỹ thuật, có quyết tâm là làm được. Sửa đổi hệ thống rất khó, nó là vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ...Tôi nghĩ rằng để thực sự giải quyết các vấn đề trên, còn cần có sự hỗ trợ của thể chế tư pháp và sự phát triển của các tổ chức dân sự".
A.Thư tổng hợp