Bệnh đột quỵ tăng đột biến, cứ 3 giờ có 1 người tử vong
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:07, 22/09/2017
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM - chia sẻ như thế tại lễ ký kết “Cung cấp thiết bị và dịch vụ Bệnh viện Tim mạch và Đột quỵ Cần Thơ” hôm 22.9 tại TP.HCM.
Theo bác sĩ Cường, có 2 loại đột quỵlà chảy máu não (xuất huyết não) vàthiếu máu não, trong đó xuất huyết não chiếm 20%, còn thiếu máu não chiếm đến 80%.
Hiện nay, trên thế giới cứ mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ, cứ 40 giây có 1 người bị đột quỵ và cứ 3 phút có 1 người tử vong vì đột quỵ.
Đột quỵlà 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (sau tim mạch và ung thư), nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tànphế.
Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ. Trong các bệnh viện lớn ở nước ta nhưBệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 120.000 lượt bệnh nhân đột quỵ điều trị; Bệnh viện Nhân dân 115 là khoảng 60.000 người đột quỵ điều trị…
Riêng đối với các bệnh viện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số bệnh nhân đột quỵ tiếp nhận ở đây cũng khá lớn nhưBệnh viện Trung ương Cần Thơ là 2.000 ca/năm, Bệnh viện Đa khoa An Giang là 3.000 ca/năm, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long là 1.000 ca/năm, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc là 800 ca/năm… Như vậy, trung bình mỗi năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trên 10.000 bệnh nhân bị đột quỵ.
“Hầu hết bệnh nhân bị đột quỵ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều đến bệnh viện trễ, ngay cả khi đến được bệnh viện rồi thì việc chẩn đoán sớm và điều trị kỹ thuật cao cũng không thể tiếp cận được. Có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đã làm cho nguy cơ tử vong và tàn phế của bệnh nhân đột quỵ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn nhiều so với ở TP.HCM”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Cường, bệnh nhân đột quỵ chuyển đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM có tới97% đến sau 6 giờ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị, cho dù chúng ta có đủ các trang thiết bị hiện đại.
“Cứ mỗi phút trôi qua là có 2 triệu tế bào thần kinh của người đột quỵ bị mất đi. Do đó, "thời gian vàng” để điều trịđột quỵlà trước 3 tiếng kể từ khi xảy ra đột quỵ, nếu sau 3 tiếng thì hiệu quả điều trị thấp, còn qua 6 tiếng thì rất khó để có thể cứu sống bệnh nhân.
Những bệnh nhân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở các tỉnh xa nhưCà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… sẽ rất khó có thể đưa lên TP.HCM trước 3 giờ. Vì vậy, việc ra đời Bệnh viện Tim mạch và Đột quỵ Cần Thơ là rất cần thiết, giúp tận dụng “thời gian vàng” trong điều trị bệnh nhân đột quỵ ở các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long”, bác sĩ Cường nói.
Được biết, Bệnh viện Tim mạch và đột quỵ Cần Thơ được xây dựng với quy mô 200 giường bệnh đạt chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho tất cả bệnh nhân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bác sĩ Cường cho biết, khi đi vào hoạt động bệnh viện sẽ tập trung phát triển các chuyên khoa sâu nhưCấp cứu can thiệp đột quỵ, tim mạch, can thiệp tim bẩm sinh, điều trị bệnh cơ xương khớp kỹ thuật cao… Đồng thời bệnh viện cũng sẽ liên kết với tất cả các bệnh viện trong khu vực, giúp điều trị cấp cứu cho bệnh nhân hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng sẽ là nơi đào tạo thực hành chuyên sâu cho các bệnh viện trong ngoài nước có nhu cầu; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; nghiên cứu khoa học cho khu vực… nhằm mục tiêu phát triển y tế kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu về tuyến cơ sở, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe, phục vụ y tế cho mọi tầng lớp nhân dân, thu hút du lịch, khám chữa bệnh cho người nước ngoài.
Hồ Quang