Mẹ không kịp mang giấy tờ đến công an, con thành người vô gia cư

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:00, 24/09/2017

Nói đến trung tâm bảo trợ xã hội thì ai cũng nghĩ đến những người già neo đơn, người vô gia cư,... chứ chẳng ai nghĩ đến người có gia đình, có nơi ở mà chỉ vì chưa kịp xuất trình giấy tờ nhân thân mà bị đưa vào trung tâm. Tuy nhiên, sự việc “hy hữu” tưởng chừng khó tin này lại xảy ra tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức vừa qua.
                    

Bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, quê Tiền Giang, tạm trú P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), mẹ của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, một trong hai thiếu nữ bị công an, UBND phường Tam Bình, quận Thủ Đức đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM cho biết:

Vào khoảng 15 giờ ngày 18.9, con gái bà là chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và bạn là Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) xuống quán nước của một người bạn tại khu phố 5, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM để chơi.

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, thì lực lượng công an phường Tam Bình, Q.Thủ Đức đến kiểm tra hành chính quán nước. Đồng thời, kiểm tra hành chính, giấy tờ tùy thân của những người có mặt tại quán. Vì không mang theo chứng minh nhân dân (CMND)  nên Nhung và Kiều được đưa về trụ sở công an phường Tam Bình để làm việc.

Khoảng 17 giờ 45 phút, khi đang trên đường đi làm về thì bà Nghĩa nhận được cuộc điện thoại của con gái (chị Nhung) gọi báo đang bị công an phường Tam Bình tạm giữ và nói bà mang giấy tờ tùy thân tới trụ sở công an phường này để bảo lãnh cho về.

Chứng minh thư của hai thiếu nữ do người nhà cung cấp.

Tuy nhiên, trong lúc bà mang giấy tờ tùy thân của con gái đến thì nhận được tin, con gái đã được lực lượng chức năng đưa tới Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (463 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) theo diện người vô gia cư.

Bà Nghĩa nói tiếp, ngay sau khi nhận tin con gái bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, bà liền mang toàn bộ chứng minh thư của chị Nhung, sổ hộ khẩu gia đình và các giấy tờ khác đến trình bày với cán bộ trung tâm để xác nhận chị Nhung không vô gia cư, nhưng cán bộ trung tâm từ chối giải quyết vì chưa đúng thủ tục. Cán bộ trung tâm yêu cầu phải về quê xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương về trường hợp của chị Nhung thì mới được bảo lãnh cho con về.

Làm theo hướng dẫn của cán bộ trung tâm, bà Nghĩa tức tốc về xác nhận các giấy tờ trung tâm yêu cầu rồi mang lên để nhận con. Tuy nhiên, sau khi cung cấp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu thì đến nay trường hợp của con gái bà vẫn chưa được Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu giải quyết.

Lời xác nhận của người có mặt tại thời điểm kiểm tra

Là người trực tiếp chứng kiến vụ việc, anh Nghĩa (24 tuổi, bạn của Nhung và Kiều) kể: Vào khoảng 16 giờ cùng ngày thì lực lượng công an phường Tam Bình bất ngờ xuất hiện tại quán nước, yêu cầu kiểm tra hành chính khi cả nhóm đang ngồi uống nước nói chuyện.

Tại quán, công an yêu cầu kiểm tra giấy phép xây dựng, thủ tục hành chính của quán, và yêu cầu những người trong quán xuất trình giấy tờ tùy thân, thì chỉ có tôi và 2 người bạn nam trong quán xuất trình được chứng minh thư, còn Nhung và Kiều không mang theo nên bị mời về trụ sở để làm việc…

Sau khi 2 bạn gái được mời về công an phường, tôi có đến công an phường Tam Bình để làm thủ tục bảo lãnh cho Nhung và Kiều nhưng không được chấp nhận.

Lúc tới trụ sở công an tôi có gặp anh Dũng là cảnh sát khu vực và xin bảo lãnh cho Nhung với Kiều nhưng anh ấy nói “hồ sơ đã được lập đưa đi Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, chủ tịch phường đã ký rồi”.

Khi tôi được gặp bé Nhung thì em đưa số điện thoại của mẹ và nhờ tôi gọi cho mẹ em, mang giấy tờ đến đưa em về nhà. Tôi liền gọi gọi điện cho mẹ của Nhung, nhưng khi tôi đón cô Nghĩa (mẹ Nhung) đến phường thì đã không kịp nữa.

Theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP của Chính Phủ thì, Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Để xác minh thông tin vụ việc, phóng viên đã liên hệ đến UBND phường Tam Bình, Q.Thủ Đức thì được biết:

Ngày 18.9.2017, thực hiện kế hoạch số 191/KH-CAP của Công an phường Tam Bình về việc phòng, đấu tranh kéo giảm tội phạm pháp hình sự trên địa bàn, tổ công tác của Công an phường Tam Bình tiến hành kiểm tra khu vực Chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, khu phố 5, phường Tam Bình; tiến hành kiểm tra hành chính đối với quán cà phê MU, địa chỉ A42, đường D, khu dân cư Chợ Đầu mới nông sản thực phẩm Thủ Đức, khu phố 5, phường Tam Bình.

Trong suốt quá trình làm việc, cả hai đương sự (chị Nhung và chị Kiều) không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào, mặc dù Công an phường yêu cầu hai đương sự gọi điện nhờ người thân mang các loại giấy tờ đến để làm thủ tục bảo lãnh về nhưng hai đương sự không hợp tác và không gọi cho ai.

Đến 19 giờ 45 cùng ngày, Công an phường phối hợp cùng cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội Phường lập hồ sơ đưa hai đương sự trên vào trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 19.7.2017 của UBND TP.HCM.

Ảnh văn bản trả lời về vụ việc đưa hai thiếu nữ vào TT bảo trợ xã hội theo diện Vô gia cư của UBND phường Tam Bình.

Như những gì UBND phường Tam Bình trả lời thì chỉ trong khoảng thời gian từ 16 giờ - 19 giờ 45 ngày 18.9.2017 thì chỉ hơn 3 giờ đồng hồ, UBND phường Tam Bình đã “tức tốc” hoàn thành hồ sơ thủ tục để đưa hai thiếu nữ Nhung và Kiều vào trung tâm bảo trợ xã hội(?).

Cũng theo trả lời của UBND phường thì hai thiếu nữ này không hợp tác và không gọi cho người nhà đến để bảo lãnh. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mẹ của chị Nhung và anh Nghĩa bạn của hai thiếu nữ trình bày với phóng viên(?!). Thiết nghĩ rất cần làm rõ các thông tin đối nghịch giữa UBND phường Tam Bình và người thân của hai thiếu nữ bị "biến thành" người vô gia cư.

Ngọc Thạnh

            

Ngọc Thạnh