Đồng bằng sông Cửu Long và những thách thức chờ Thủ tướng tháo gỡ

Sự kiện - Ngày đăng : 14:28, 26/09/2017

Sáng 26.9 và ngày mai - 27.9, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tầm nhìn đến năm 2100.

Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe các báo cáo chuyên đề và ý kiến thảo luận rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp... Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra những kết luận về định hình chuyển đổi lớn cho mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH và xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu(BĐKH).

Cách đây vài năm, PV Một Thế Giới từng xem 1 đoạn phim ngắn về thảm họa của BĐKH. Trên màn hình, lần lượt hiện lên những hình ảnh về các con đập thủy điện trên sông Mê Kông, sông Mississippi (Mỹ), rồi những đô thị ven sông ngập nước, những căn nhà xơ xác vì bão lũ… Hậu quả từ sự khai thác quá mức tài nguyên và tác động bởi BĐKH đã không còn là cảnh báo.

Những đoạn phim, những hình ảnh về những vùng mênh mông nước, những mảnh đất khô cằn, xơ xác, khiến nhiều người có cảm giác rằng, những dự đoán rằng sản lượng lương thực thế giới sẽ giảm 25% trong thế kỷ này, hay vùng ĐBSCL sẽ ngập từ 0,75 - 1 mét vào năm 2100 khiến 20- 40% diện tích đất chìm trong nước… đã thấp thoáng đâu đó, trong nay mai.

Nước sẽ dâng tràn nhiều nơi?

Đã có nhiều kịch bảnđưa ra những con số dự ước thiệt hại do BĐKH và nước biển dâng. Chỉ nói tóm rằng, thiên tai sẽ diễn biến rất phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến con người và sự phát triển của xã hội. BĐKH sẽ gây ra những biến động mạnh mẽ trong diễn biến của các hiện tượng khí tượng, thủy văn như bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại, mực nước biển cực đại. Nước ngọt sẽ mất dần, dân chúng sẽ phải làm những cuộc di tản bất đắc dĩ.

Không ít lý do dẫn đến xâm ngập mặn hoành hành dữ dội. Bởi chính nắng hạn gay gắt, rồi những khu đê bao khép kín ngăn mặn hay chính tạp quán canh tác thay đổi, phong trào chuyển dịch cây trồng vật nuôi… phía hạ lưu, cũng góp phần ảnh hưởng đến xâm ngập mặn. Nhưng nguyên nhân rõ nhất chính là lượng nước từ thượng nguồn xuống thấp. Lưu lượng nước ít đã khiến lực đẩy mặn giảm dần và dòng nước mặn thừa cơ tràn vào càng sâu trên sông Hậu.

Khai thác cát cũng là nguyên nhân gây sạt lở, thay đổi dòng chảy...

Sông Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc), sau đó chảy qua Lào, Myanma… để rồi vào Việt Nam qua 2 ngã Tân Châu và Châu Đốc, tràn nước vào sông Tiền và sông Hậu của vùng ĐBSCL. Lượng nước đổ về sông Tiền và sông Hậu giảm trong năm 2009, một phần do biến đổi khí hậu khiến gia tăng tình trạng băng tan tại cao nguyên Tây Tạng và dãy Hymalaya, nên nguồn cung nước cho sông Mekong giảm dần.

Và các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện rằng, đã có hơn 46.000 dải băng trên cao nguyên Tây Tạng đang thu hẹp 7%/năm… Và chính tình trạng phá rừng phía thượng nguồn, tại Lào… cũng khiến khả năng trữ nước giảm, lưu lượng nước vào mùa khô ít dần. Nhưng một nguyên nhân hiển hiện là chính những con đập thuỷ điện trên dòng Mekong, của Trung Quốc, Lào… cũng khiến lượng nước đổ về hạ nguồn giảm.

Thảm họa lở đất ở ĐBSCL

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều con kênh, rạch ở nội ô TP.Cần Thơ đã bị xóa sổ để “phục vụ” các công trình giao thông, dự án đô thị mới… hoặc bị người dân tự lấn chiếm, san lấp. Như đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đoạn từ đường Mậu Thân đến quốc lộ 91B, khi ra đời đã kéo theo nhiều dự án xây dựng khu dân cư, trụ sở hành chính… và xóa sổ rất nhiều con rạch lớn, nhỏ.

Ông Nguyễn Hữu Chiếm, cán bộ Trường đại học Cần Thơ, cho biết 1 con rạch dài chừng 1km đã có thể tiêu thoát lượng nước hàng trăm ngàn mét khối chỉ trong vài giờ. Khi lượng kênh, rạch bị lấp ngày càng nhiều, tình trạng ngập úng như ở miền Tây sẽ như TP.HCM là khó tránh khỏi, nhất là khi vùng đất này cũng đang lúndần.

Và sạt lở cũng đang là vấn nạn của ĐBSCL! Theo khảo sát của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NNPTNT, hiện ĐBSCL có gần 400 điểm sạt lở, 150 khu vực bồi lắng trong giai đoạn từ đầu và cuối mùa lũ với chiều dài trên 450km. Mỗi năm vùng này mất đến 500ha đất...

Sạt lở và mất đất dần

Nhiều hiểm họa đang chực chờ đổ ụp xuống vùng đất ĐBSCL bất cứ lúc nào. Có hiểm họa là do thiên nhiên, BĐKH, nhưng cũng không ít hiểm họa là do chính con người và sự quản lý “yếu ớt” của các lãnh đạo địa phương gây ra. Quy hoạch phá môi trường, khai thác cát phá dòng chảy, tổn hại thiên nhiên...

Tại Hội nghị trong hôm nay và ngày mai,Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong, ngoài vùng, tiểu vùng sông Mê kông. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL...

Hội nghị này cũng nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.

Thanh Ngọc

Hồ Hùng