TP.HCM vẫn triển khai xe buýt nhanh BRT dù thiếu hiệu quả
Sự kiện - Ngày đăng : 17:54, 26/09/2017
Không dừng triển khai xe buýt nhanh BRT
Theo Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, TP.HCM không có chủ trương dừng triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 như một số báo đăng tải thời gian vừa qua.
"Tôi khẳng định đến nay, thành phố chưa có chủ trương nào để dừng dự án BRT mà chúng ta đang nghiên cứu kỹ càng để thực hiện", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, vừa rồitrong chuyến công tác ở Mỹ khi làm việc với Ngân hàng thế giới, họ ủng hộ và khuyến khích TP.HCM làm dự án BRT nhưng phải làm kỹ hơn.
Do đó, để làm xe buýt nhanh BRT phải tuyên truyền trước để người dân biết, cũng như tổ chức giao thông hợp lý; phải tính đến hiệu quả của dự án là đông người đi chứ không thể xe chạy mà không có khách.
Trước đó, đầu tháng 9.2017UBND TP.HCM đã quyết định dừng triển khai tuyến xe buýt nhanh (BRT) trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.
Nguyên nhân là do theo nghiên cứu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lượng khách tuyến buýt nhanh năm đầu tiên chỉ khoảng 17.700 người một ngày, không giống như dự báo trước đây là hơn 24.700 người. Lượng khách này không hơn so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn.
Chưa kể, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM cũng cho biết việc làm tuyến buýt nhanh tại thời điểm này là chưa phù hợp. Thay vào đó, thành phố nên làm tuyến buýt chất lượng cao ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt, 5 - 10 năm sau có điều kiện thì nâng cấp lên BRT.
Bàn giao toàn bộ xe công cho doanh nghiệp quản lý
Trong khi đó, liên quan đến việc bàn giao xe công, UBND TP.HCM cũng đã xác định Văn phòng UBND TP.HCM, Sở Tài chính và Ban An toàn thực phẩm sẽ là 3 cơ quan đầu tiên được bàn giao toàn bộ số xe công và tài xế về cho một doanh nghiệp Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp này là Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong.
3 cơ quan trên sẽ phải thuê lại xe công từ Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Lượng xe công này cũng được cho thuê rộng rãi với cả các đơn vị bên ngoài.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc cho thuê ngoài này tạo nguồn thu ngân sách hỗ trợ cho thành phố. Chính quyền sẽ không phải nuôi xe và tài xế như trướctrong khi đó xe vẫn là tài sản của thành phố. Ttrong trường hợp cần thanh lý, số tiền thu về cũng nộp vào ngân sách.
Hồi giữa tháng 6.2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết toàn bộ số xe công hiện có và lực lượng lái xe sẽ được bàn giao cho một đơn vị quản lý và cho thành phố thuê lại. Vì vậy, TP.HCM sẽ không mua xe công, kể cả xe chuyên dùng sau này cũng không mua nữa mà đi thuê.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã thống nhất chủ trương giao cho Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM xây dựng đề án thành lập Trung tâm quản lý xe công của TP.HCM.
Theo đề án trên, trừ một số chức danh lãnh đạo thường trực, thường vụ phải bố trí xe để đảm bảo đi lại công tác, các sở ban ngành, UBND quận huyện, đơn vị sự nghiệp của TP.HCM sẽ đưa toàn bộ xe công về công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong quản lý, sau đó các đơn vị sẽ thuê lại theo nhu cầu sử dụng. Tiền cho thuê xe sẽ nộp vào ngân sách.
Sau khi tiếp nhận toàn bộ số xe công này, công ty sẽ phân bổ hợp lý về các cơ quan, đơn vị thuê xe. Tất cả tài xế ở các sở ngành,quận huyện sẽ được công ty tiếp nhận, bố trí làm việc và quản lý, trả lương.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 700 xe công nhưng phần lớn là xe cũ, tiền bảo trì, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa hằng năm rất lớn. Do đó, mô hình cho thuê xe công sẽ tạo sự kiểm soát chặt chẽ hơn, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước về tiền mua sắm xe hằng năm. Đồng thời, giảm chi phí phát sinh bộ máy quản lý riêng, chẳng hạn có những ngày lãnh đạo không đi họp hoặc chỉ đi họp một buổi thì xảy ra tình trạng vừa lãng phí xe vừa lãng phí lái xe.
Phan Diệu