ĐBSCL: Đã đến lúc xem xét lại tư duy 'đê bao triệt để'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:45, 27/09/2017
Như Một Thế Giới đã thông tin, trongngày 26 và 27.9, tại TP.Cần Thơ đãdiễn ra hội nghị "Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" với tầm nhìn tới năm 2100.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu trong phiên thảo luận chiều qua: “Không nhất thiết cứ phải chạy theo sản xuất lúa như từ trước đến nay. Chúng ta phải coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên. Không thể phát triển bền vững ĐBSCL mà cứ quay lưng lại với biển, kể cả biển Đông và biển Tây. Chúng ta quản lý xâm nhập mặn chứ không chống lại xâm nhập mặn. Không cần thiết và cũng không có khả năng chống lại mà cần phải thích ứng và chung sống với nó”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lậpnhận định, lâu naytại ĐBSCL, từ đê bao, hệ thống cống, đập ngàn tỉ, máy móc, công nghệ... đều tập trung cho tăng sản lượng lúa. Nhờ đó, chúng ta trở thành cường quốc về lúa gạo với sản lượng dư thừa để xuất khẩu từ 7 - 8 triệu tấn/năm. Nhưng những nông dân làm ra lúa thì vẫn cứ nghèo. Do đó, phải xem lại tư duy chăm bẳm cho cây lúa mà quên khai thác những nguồn lợi từ các tài nguyên khác như nước lũ và nước mặn.
GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuấtchuyển đổi chiến lược từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ” để khắc phục tình trạng domino đã và đang xảy ra trong quản lý lũ, chống nước biển dâng. Cụ thể, chủ động đưa lũ vào đồng để vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, lấy phù sa... Chấp nhận có những thời điểm ngưng trồng lúa để nuôi tôm, nuôi cá nước ngọt khi nước lũ hay nước mặn tràn vào.
Như vậy, đã đến lúc xemlại tư duy chống lũ, ngăn mặn bằng mọi giá. PV Một Thế Giới đã trao đổi cùng tiến sĩ Dương Văn Ni, cán bộ khoa Môi trường -Trường Đại học Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.
Thưa tiến sĩ, ông từng nhiều lần đề xuất nên xem xét, đánh giá lại hệ thống đê bao khép kín. Phải chăng nó đã thành “kẻ tội đồ”?
Trước hết, phải xem lại lịch sử ra đời hệ thống đê bao khép kín. Từ xa xưa, dân ĐBSCL chủ yếu sản xuất bằng giống lúa nổi - có khả năng vượt nước, mỗi năm chỉ làm 1 vụ. Cuối mùa khô, nông dân chuẩn bị cày đất, tiếp đó sạ hạt không cần xử lý nảy mầm.
Khi những cơn mưa đầu mùa làm đất đủ ẩm, hạt lúa nảy mầm và cây bám rễ vào đất. Đến lúc lũ tràn về, cứ mực nước dâng đến đâu thì ngọn lúa dâng theo đến đó. Sau mùa lũ, lúa nằm rạp trên mặt ruộng và cứ mỗi mắc lại cho một chồi mới, đơm bông, kết hạt. Do đó, cần gì đê bao.
Thập niên 1960, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đưa ra những giống lúa cao sản đầu tiên là IR5, IR8. Theo đó, Việt Nam cũng đón nhận nhiều giống lúa ngắn ngày, không ảnh hưởng quang kỳ, thân lùn, năng suất cao… Và nông dân chuyển dần việc canh tác sang cả mùa nắng với 2 vụ đông xuân và hè thu mỗi năm. Rồi từ chuyện làm thêm lúa hè thu này, phát sinh vấn đề một số vùng không thu hoạch kịp khi lũ đến sớm.
Lúc đó, đê lửng - còn gọi là đê bao tháng 8xuất hiện để ngăn lũ khoảng 1 tháng trong lúc chờ thu hoạch dứt điểm. Sau đó, nước lũ tràn qua đê, ngập toàn vùng. Dần dà, nhiều vùng chuyển thêm làm lúa vụ 3 (vụ thu đông). Đê bao lửng dần dà chuyển hẳn thành đê bao khép kín, ngăn lũ hoàn toàn để phục vụ cho vụ lúa này.
Tất cả tiến trình trên nằm trong dòng chảy của khu vực mà một thời chúng ta gọi là cuộc “Cách mạng xanh”. Xét ở bối cảnh đó, cuộc “Cách mạng xanh” đã thành công vượt bậc khi khiến năng suất lúa tăng gần 10 lần - từ 2 tấn/ha/năm (1 vụ) thành 20 tấn/ha/năm (3 vụ).
Đó cũng là thời kỳ mà Nhà nước dành mọi ưu đãi cho cây lúa và tập trung đầu tư toàn bộ nguồn lực. Thử nhìn lại mấy chục năm qua? Toàn bộ các công trình lớn cũng như chính sách ở ĐBSCL đều phục vụ cho cây lúa. Đối với nông dân, lúa khi đó đã là cứu cánh duy nhất để cứu đói, giải quyết việc làm, đem lại ngoại tệ. Không quá tự tin để nói đến 2 chữ “tự hào”khi Việt Nam từ 1 quốc gia thiếu hụt lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới.
Nói tất cả những điều nàyđể thấy rằnghệ thống đê bao khép kín thực ra chỉ là 1 trong các nguồn lực, là công cụ để phục vụ cho cây lúa, ngăn mặn và nước lũ, giúp cho cuộc “Cách mạng xanh” cũng như cho mục tiêu của xã hội. Bản thân nó không có tội!
Nhưng ở bối cảnh hiện nay, liệu có phải thay đổi cách nhìn về hệ thống đê bao khép kín?
Không thể xác định được điều này khi mà từng địa phương chưa có chủ trương rõ ràng về số phận cây lúa! Theo tôi, nếu có mục tiêu, tính toán rõ ràng thì đê bao khép kín vẫn là tài sản quý giá. Tất nhiên, phải có cách khai thác tốt.
Như vậy, theo tiến sĩ thì cách khai thác hệ thống đê bao khép kín hiện nay có vấn đề?
Không phải hiện nay mà là ngay từ đầu. Nếu như khi hình thành hệ thống đê bao, các địa phương thực hiện theo phương thức đưa nước lũ tràn vào 1 hoặc 2 tháng và có thông báo trước cho người dân hàng năm, thì có lẽ mọi vấn đề về giảm phì nhiêu đất, nguồn tài nguyên thuỷ sản, ô nhiễm môi trường… đã được giải quyết tốt.
Chúng ta hô hào là sống chung với lũ, nhưng cụ thể chung như thế nào cho từng địa phương thì không ai biết! Thực ra, đê bao khép kín sẽ đem đến nhiều lợi ích nếu biết cách khai thác. Vì sao cứ khi có dự báo hạn hán, đâu đâu cũng nghe phát động nạo vét kênh mương, đào thêm kênh thuỷ lợi. Để nước càng rút mau thêm, hạn càng thêm hạn? Trong khi đó, đê bao có thể trở thành hồ chứa nước ngọt quý giá, phân phối lại nước sản xuất, sinh hoạt cho các vùng khác.
Dĩ nhiên, ở tiểu vùng trong đê bao khép kín này, chấp nhận thiệt hại đôi chút về sản xuất nông nghiệp trong vài tháng, nhưng bù lại ta khuyến khích người dân ứng dụng các mô hình sản xuất phù hợp như nuôi trồng thuỷ sản… Hiện nay, cả vùng ĐBSCL không quy hoạch được một nơi nào thực sự gọi là nơi trữ nước trong mùa hạn, trong khi điều kiện từ các tiểu vùng đê bao khép kín có sẵn.
Nhưng chính vì chuyện lợi dụng đê bao để kiểm soát lũ triệt để, nên trước đây khi bao đê, vô tình đã tạo cho người dân sống trong đê bao có cảm giác an toàn. Người dân an tâm với mực nước chỉ mấp mé trong mùa lũ. Và từ đó, đa số các vùng nằm trong đê bao khép kín ở ĐBSCL, mọi công trình như nhà cửa, mương vườn, ao cá… đều được thiết kế theo mực nướcấy.
Bây giờ, quay lại giải pháp đưa lũ vào 1 tháng hoặc trữ nước thì đã muộn. Bởi khi đó nước dâng cao, toàn bộ công trình này bị thiệt hại, ai gánh? Và đưa ra giải pháp phá bỏ đê bao khép kín, đồng nghĩa sẽ tạo ra sự đối lập về quyền lợi giữa người trong đê và người ngoài đê.
Như trong dân gian, trước đây đã hình thành lệ sởhữu tài nguyên thiên nhiên từng phần. Đó là, cũng trên mảnh ruộng đó, khi lũ chưa về thì toàn bộ nguồn lợi thiên nhiên như rau, củ, thuỷ sản…thuộc về người sở hữu mảnh ruộng. Nhưng khi lũ tràn đầy đồng, toàn bộ nguồn lợi trên cả cánh đồng bao la ấy thuộc về của chung, ai bắt được cứ bắt. Vô tình, chủ sở hữu mảnh ruộng chỉ sở hữu nguồn lợi thiên nhiên hoàn toàn trên mảnh ruộng mình trong mùa nắng.
Nay đê bao khép kín, khiến người không đất, người nghèo bị tước đi quyền hưởng lợi chung vào mùa lũ và số phận họ rồi sẽ ra sao? Vì vậy, cho lũ trở lại 1-2 tháng hàng năm sẽ giúp người nghèo có thêm thu nhập trong mùa lũ. Nhưng như tôi đã nói, việc này sẽ rất khó đạt được sự đồng thuận của người dân sống trong đê, nếu chưa có giải pháp khắc phục thiệt hại cho họ thoả đáng.
Như vậy, đê bao khép kín vẫn sẽ tồn tại lâu dài?
Nếu chúng ta giàu, có tiền gia cố đê bao cao thêm mỗi năm theo mực nước, thì đó cũng chỉ là giải pháp tình thế vì rủi ro vỡ đê không hề mất đi mà sẽ tích luỹ thêm hàng năm. Mực nước ngày càng dâng cao và nguy cơ vỡ đê sẽ đến bất cứ lúc nào trong tương lai và hậu quả lúc đó sẽ rất thương tâm.
Ngay cả các quốc gia giàu như Hà Lan, họ tưởng hệ thống đê bao của họ là an toàn nhưng những năm gần đây nước vẫn cứ tràn vào. Đê không thể ngăn và duy trì mãi mãi.
Có lẽ bây giờ, các địa phương không kham nổi kinh phí quá lớn để hỗ trợ,giúp người dân trong vùng đê bao khép kín nâng cao các công trình của mình trong vòng 1-2 năm. Nhưng cũng không thể đứng nhìn! Các địa phương cần ngồi lại tính toán, xây dựng phương án cụ thể cho nước lũ vào hàng năm và có lộ trình rõ trong 5 hay 10 năm.
Để khi đó, lúc cống mở thì mực nước trong đê bằng với mực nước ngoài đê. Như vậy, cần tính toán chính xác các công trình và hạng mục bị ảnh hưởng, từ đó xác định mực nước dự trù khi cho lũ tràn vào từng năm để có đủ nguồn kinh phí giúp dân khắc phục thiệt hại. Cần phải có cuộc vận động, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ mục đích và tích cực tham gia.
Đặc biệt là mọi công trình hạ tầng, sản xuất… làm mới buộc phải thiết kế trên mực an toàn đó và các địa phương cần quản lý chặt việc này. Tôi nghĩ khi người dân dám xây một căn nhà hàng trăm triệu đồng, nếu hiểu rõ ý nghĩa của việc cho nước lũ tràn vào, có lẽ họ không tiếc 10-20 triệu đồng để nâng cao nền móng.
Thanh Hồ