Vụ tai biến do gọt cằm: Sở Y tế TP.HCM sẽ vào cuộc tìm nguyên nhân
Sự kiện - Ngày đăng : 07:06, 01/10/2017
Ngày 30.9, trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay hiện toàn bộ hồ sơ liên quan đến ca phẫu thuật ''Chỉnh hình xương hàm” của chị Trương Thị.Đ. (38 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcasđã được Thanh tra Sở Y tế TP niêm phong phục vụ cho công tác điều tra cũng như làm sơ sở để Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây ra tai biến trên.
“Chắc chắn Sở Y tế TP.HCM sẽ thanh lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân gây ra vụ tai biến trên. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi đến các phương tiện truyền thông”, bà Mai cho biết.
Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng của phóng viên, sau thời gian điều trị tại một bệnh viện ở Singapore hiện tình trạng sức khỏe của chị Đ. vẫn chưa cải thiện nhiều; đặc biệtcòn tổn thương não khá nặng,thời gian điều trị còn rất dài nên nhiều khả năng chị Đ. sẽ được đưa trở lại Việt Nam để điều trị tại Bệnh viện FV trong vài ngày tới.
Trong những ngày qua, chi phí điều trị cho chị Đ. tại một bệnh viện ở Singapore là khá tốn kém, và toàn bộ các chi phí trên đang được Bệnh viện thẩm mỹ Emcas chi trả.
Trước đó, vàochiều 20.9, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo nhanh gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Theo đó,ngày 17.9, chị Trương Thị Đ. đã đến Bệnh viện thẩm mỹ Emcas ( số 14/27 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM) để phẫu thuật: “chỉnh hình xương hàm”.
Phẫu thuật viên thực hiện ca phẫu thuật cho chị Đ. là bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi (hợp đồng làm việc ngoài giờ tại Bệnh viện Emcas)có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt, tốt nghiệp bác sĩ nội trú và bằng tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật hàm mặt.
Ca phẫu thuật kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày, người bệnh ổn định, được rút nội khí quản chuyển phòng hồi tỉnh.Tuy nhiên, sau 20 phút theo dõi, phát hiện người bệnh chảy máu rỉ rả trong khoang miệng, bác sĩ phẫu thuật viên tiến hành xử trí cầm máu tại giường bằng khâu niêm mạc, đặt nẹp vis và theo dõi tiếp. Đến phút thứ 30 người bệnh đột ngột suy hô hấp, SpO2 giảm nhanh dưới 70%, vùng sàn miệng phù nề nên được xử trí mở khí quản tại giường. Trong quá trình mở khí quản người bệnh ngưng tim, được xử trí hồi sức có lại mạch, nhịp tim.
Bệnh viện Emcas tiếp tục hồi sức đến khi mạch, huyết áp tương đối ổn định thì chuyển người bệnh đến Bệnh viện Nhân dân 115 vào lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng hôn mê (Glasgow 4 điểm), bóp bóng qua canule qua mở khí quản, mạch 138 lần/phút, HA: 123/90 mmHg, tim nhanh, đều.
Người bệnh được điều trị tại Khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện Nhân dân 115 với thở máy, thuốc cầm máu, thuốc chống động kinh. Đến ngày 19.9.2017 người bệnh vẫn hôn mê (Glasgow 5 điểm), phản xạ đau tăng lên, đồng tử 2 bên 3mm, phản xạ ánh sáng (±), CT Scan não chưa phát hiện bất thường. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang một bệnh viện ở Singapore để điều trị.
Hồ Quang