Sốc khi xem trưng bày tượng tử thi với chủ đề 18+: nghệ thuật hay chiêu trò phản cảm?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 01/10/2017
Hình thành từ năm 1995, đã thu hút 26 triệu lượt khách thăm quan toàn cầu, sự kiện văn hóa kỳ dị này vẫn liên tục bị chỉ trích vì nhiều lý do.
Một nhà khoa học người Đức có danh tiếng gây tranh cãi, đã phát minh ra cách giúp bạn tận mắt quan sát người chết trong đa dạng dáng điệu, thậm chí ở các tư thế “nóng bỏng.” Buổi trải nghiệm hiếm thấy có giá 20 USD (hơn 450.000 VND), hiện tổ chức tại Trung tâm Khoa học California, Los Angeles, Mỹ.
Được quảng bá như triển lãm quốc tế quy mô hàng đầu về chủ đề tử thi, Body Worlds: Pulse gồm khoảng 200 cơ quan nội tạng, cơ thể người - động vật chết không bọc da, và các “lát cắt tế bào” tinh vi. Tất cả, hoàn toàn thật, đã trải qua quá trình bảo quản bằng phương pháp tiêm plastic do người thành lập Body Worlds, Gunther von Hagens, sáng chế.
Mới đây, Body Worlds còn đưa thêm một không gian trưng bày độc đáo, “người chết đang ân ái” - dẫn lời trang tin Reuters. Bộ tượng dán mác 18+ bày trí ở khuôn viên riêng với người bảo vệ bên ngoài, nhằm giám sát độ tuổi khách thăm quan (phải từ 17 tuổi trở lên).
Trưng bày cơ thể, nội tạng tử thi đã trở thành ngành kinh doanh “béo bở.” Báo chí Mỹ từng gọi Body Worlds là “sự kiện triển lãm đặc biệt hút khách nhất thế kỉ.” Hàng triệu người hiếu kì đến chiêm ngưỡng các tour chương trình mỗi năm, cùng lượng tài trợ lớn từ nhãn hàng thương mại, là bảo chứng cho thành công của show diễn kỳ lạ này.
Gunther von Hagens, cái tên làm nên “hiện tượng” trong ngành triển lãm y khoa, có xuất phát điểm kỳ lạ không kém.
Lớn lên ở miền đông Đức, von Hagens ban đầu chỉ là một bác sĩ, nhà nghiên cứu vô danh. Thậm chí, ông có lúc phải ngồi tù 2 năm vì mâu thuẫn chính trị. Năm 1975, khi lui về ở ẩn tại một hòn đảo nhỏ, von Hagens bất ngờ tuyên bố đã tìm ra “một thứ công nghệ gây kinh ngạc, có khả năng bảo quản dài lâu mô tế bào nhờ sử dụng hợp chất polime tác động ngược”.
Đến năm 1993, ông thành lập Viện Công nghệ Plastic, chuyên phát triển ứng dụng nói trên. Năm 1995, tour triển lãm tử thi đầu tiên được thiết kế bởi vợ ông - tiến sĩ Angelina Whalley, ra đời.
Tuy nhiên, trái với hình dung về mục đích khoa học thuần túy, thứ bộ đôi bác sĩ người Đức tạo ra lại hứng chịu chỉ trích nặng nề. Công chúng dành cho von Hagens danh xưng “Thần chết” và “Frankenstein.” Ông còn đẩy làn sóng phê bình lên cao hơn, khi thực hiện việc mổ tử thi công khai, trực tiếp trên truyền hình, tại một nhà hát ở London năm 2002.
Bất chấp một số khen ngợi về độ bức phá của sự kiện trưng bày, giới quản lý văn hóa lo ngại đến nguồn gốc - tính hợp pháp nơi nhiều “mẫu vật” lấy từ cơ thể người chết.
Uỷ ban Khảo sát Nhân quyền trực thuộc Trung tâm Khoa học California đưa ra nhận xét, “điểm hấp dẫn chương trình nằm ở các tử thi (sắp đặt trong đa dạng tư thế), nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến show diễn bị nghi ngại, chỉ trích”.
Cụ thể, nhóm khảo sát người Mỹ (gồm chuyên gia y khoa và nhân viên dịch vụ cộng đồng) nêu rõ, có dấu hiệu cho thấy không phải tất cả vật phẩm triển lãm đều được “tình nguyện” hiến tặng, hoặc đã lấy từ nguồn rõ ràng.
Và đây là vấn đề đáng lưu tâm.
Georgina Gomez, giám đốc đại diện của Viện Công nghệ Plastic, giải thích trên chuyên trang Daily Beast, rằng “một số mẫu nội tạng trưng bày được thu thập thông qua các bộ sưu tập mẫu vật giải phẫu cũ và từ cơ sở y khoa”. Gomez khẳng định, mọi khách thăm quan đều được thông tin cụ thể.
Phía chuyên gia khảo sát ở California lại nghĩ khác. Sau loạt khảo nghiệm, họ cho biết, “cơ thể, nội tạng cũ nói trên không thể được truy vấn chi tiết, chính xác về xuất xứ”.
Trong quá khứ, đội ngũ von Hagens cũng từng vướng phải scandal liên quan đến quá trình thu thập xác người chết.
Năm 2004, một email có phần “rợn người” giữa quản lý chi nhánh Body Worlds tại Trung Quốc và von Hagens, được tiết lộ. Nội dung bức thư đề cập đến “2 xác đàn ông và phụ nữ trẻ” vừa chuyển tới “trong tình trạng tốt nhất”. Dẫu đã phân trần rằng các tử thi nói trên là nạn nhân chết do nổ súng, về sau, công chúng vẫn không khỏi nghi ngại nguồn gốc nhiều mẫu vật triển lãm.
Vậy còn tính giáo dục của Body Worlds? Khách thăm quan có thể trải qua buổi “khám phá khoa học” đúng nghĩa?
Michael Sappol - tác gia kiêm nhà nghiên cứu y khoa, người từng “tận mục sở thị” Body Worlds, chia sẻ ý kiến: “Tôi không nghĩ có ai thật sự tìm đến đây vì hứng thú với môn giải phẩu học.”
“Phần lớn mọi người chỉ cảm thấy được giải trí, như khi bạn xem một show trình diễn kỳ quặc. Căn bản, con người luôn bị hấp dẫn trước chủ đề cái chết. Những dạng triển lãm này ‘đánh trúng’ tâm lý tò mò của chúng ta” - ông kết luận.
Như Ý (Theo DailyBeast)