‘Định giá Hãng phim truyện Việt Nam 0 đồng là không hợp lý’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:40, 02/10/2017
Giọt nước tràn ly vì định giá
Ngay từ khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trở thành cổ đông chiến lược khi mua tới 65% cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự băn khoăn khi một công ty chuyên về hạ tầng, vận tải đường thủy lại muốn… làm phim. Sau nhiều “lùm xùm” xảy ra, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa có hồi kết, nội bộ doanh nghiệp mâu thuẫn nhau.
Giọt nước tràn ly vào những ngày cuối tháng 9.2017, hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng phản đối về sự thiếu minh bạch trong công tác định giá hãng phim khi giá trị thương hiệu chỉ 0 đồng.
Đạo diễn Quốc Tuấn khẳng định: “Chưa bao giờ có một cuộc cổ phần hoá nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy. Những bằng chứng hào hùng của biết bao nhiêu thế hệ cha anh đang bị phủ nhận hoàn toàn”. Còn NSND Trà Giang nghẹn ngào: “Giá trị thương hiệu là 0 đồng - câu kết luận của lãnh đạo mới khi tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam với các nghệ sĩ là một sự xúc phạm, một sự sỉ nhục không gì đong đếm được!”.
Nói với báo chí, ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTT-DL cho biết, giá trị thương hiệu bao gồm những chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí liên quan đến việc quảng cáo, giữ bản quyền thương hiệu và chi phí đào tạo… trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm.
Trên căn cứ các hồ sơ của Hãng Phim truyện Việt Nam xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 30.9.2014. Trong vòng 5 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, phần Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam không có chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang web… nên công ty không tập hợp được chi phí thực tế để tạo dựng thương hiệu. Cho nên căn cứ theo hướng dẫn xác định giá trị thương hiệu thì giá trị thương hiệu của công ty tại thời điểm 30.9.2014 là 0 đồng.
Trong quá trình hoạt động làm phim, công ty gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp âm, nên giá trị lợi thế kinh doanh của công ty tại thời điểm 30.9.2014 là 0 đồng. Do đó, theo ông Hoàng, giá trị lợi thế kinh doanh của phần Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam = giá trị thương hiệu + giá trị lợi thế kinh doanh = 0 đồng.
Doanh nghiệp lỗ vẫn có giá trị thương hiệu
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc định giá thương hiệu tương đối phức tạp vì đây là tài sản vô hình. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có giá trị thương hiệu, chỉ là ít hay nhiều. Kể cả những doanh nghiệp đang thua lỗ thì vẫn có giá trị thương hiệu.
“Đối với Hãng phim truyện Việt Nam thì định giá 0 đồng là không chính xác. Doanh nghiệp này có tính độc quyền trong khoảng thời gian tương đối dài với rất nhiều phim. Hãng phim này vẫn là “cây đa cây đề” của phim ảnh Việt Nam và có rất nhiều nghệ sĩ gạo cội”, ông Thịnh nói.
“Nếu doanh nghiệp mua hãng phim mà không để làm phim thì phải thay đổi toàn bô nhân sự trong hãng và xin quy hoạch lại tất cả. Còn mua để làm phim thì dứt khoát phải có giá trị thương hiệu”, chuyên gia này khẳng định.
Nhấn mạnh lại một lần nữa, ông Thịnh cho rằng cơ quan quản lý thì phải xác định rõ là không có một doanh nghiêp nào không có thương hiệu, kể cả doanh nghiệp bị lỗ. “Nếu hãng phim đang làm ăn tốt thì giá trị thương hiệu cao, còn làm ăn trì trệ thì giá trị thương hiệu thấp đi, nhưng không thể bằng 0 được, nó không hợp lý”.
Vị này cũng cho biết thêm, việc cổ phần hóa trong các năm qua có rất nhiều vấn đề, nổi cộm là việc định giá giá trị doanh nghiệp. “Người ta bằng nhiều cách đã hạ thấp giá trị của các doanh nghiệp, thậm chí làm cho bị lỗ đi để bán với giá thấp, nhất là những doanh nghiệp có đất vàng. Sau đó những nhóm lợi ích đứng ra mua, đấu giá doanh nghiệp đó”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nói trên tờ Sài Gòn Đầu Tư, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Mibrand Việt Nam cho biết, thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp, đã là tài sản phải có giá trị, giúp doanh nghiệp sinh lời. “Việc tính toán giá trị thương hiệu của chúng tôi cũng dựa trên khả năng sinh lời của thương hiệu nếu được sử dụng kinh doanh, giá trị của nó sẽ được tính ra con số tương đương”.
Vị này nhấn mạnh: “Có ý kiến trong ngành kinh doanh phim cho rằng nếu thương hiệu đó rơi vào tay họ, dàn nhân sự đó và với cách thức làm mới họ vẫn tự tin sẽ cho ra đời các tác phẩm điện ảnh có giá trị. Do vậy với trường hợp của VFS, chúng tôi Mibrand Việt Nam và thậm chí cả Brand Finance sẵn sàng tham gia định giá miễn phí thương hiệu nếu được mời”.
Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Các bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì Nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì Nhà nước mua thì giá rất cao”.
Ông Trần Hoàng cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ VHTT-DL phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH-CN, các đơn vị đang nghiên cứu phương án theo chỉ đạo xác định giá trị thương hiệu bằng bề dày, truyền thống của hãng.
Hoài Phong