Đưa tin vợ Tổng thống Zimbabwe tặng quần lót cũ, nhà báo bị bắt

Quốc tế - Ngày đăng : 14:14, 04/10/2017

Vì đưa tin vợ Tổng thống Zimbabwe tặng quần lót cũ và quần áo cũ cho người ủng hộ đảng cầm quyền Zanu-PF, nhà báo Kenneth Nyangani của báo Newsday bị cảnh sát bắt nhốt.
          

Luật sư của Nyangani nói thân chủ của ông bị bắt khuya 2.10, bị nhốt suốt 18 giờ, và đến sáng 4.10 (giờ địa phương) phải ra tòa với tội ‘hình sự’ gây phiền cho người khác. Nhà báo Nyangani có thể bị tuyên án 6 tháng tù và nộp phạt 200USD.  

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi thả nhà báo, cáo buộc chính quyền Zimbabwe dùng chiến thuật hù dọa, áp bức, gây khó dễ để ngăn chặn giới làm báo tại nước này hoạt động.  

Luật sư của Nyangani nói phản ứng của chính quyền chỉ vì có sự liên quan của Đệ nhất phu nhân Grace, vợ Tổng thống Robert Mugabe: “Bà ta nhận nhiều thông tin tiêu cực về mình trên các trang báo, và chính quyền muốn cải thiện hình ảnh của bà”.

Bà Mugabe, 53 tuổi, hiện không được lòng dân Zimbabwe, phần lớn từ những bài báo đề cập việc bà vung tay tiêu tiền. Mới đây, bà mua một chiếc xe Rolls Royce giá 400.000USD, và đầu tư mạnh vào lĩnh vực nhà đất ở Nam Phi.   

Hình ảnh một trong hai con trai của bà nhận hai chiếc Rolls-Royce hồi tháng 9 cũng làm dân bức xúc.

Hồi tháng 8, bà Mugabe bị cáo buộc dùng dây cáp điện đánh một người mẫu Nam Phi. Sau vụ này, Nam Phi cho bà hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, được phép về nước dù cảnh sát Nam Phi vẫn điều tra vụ đánh người mẫu Gabriella Engels. Bà Mugabe nói chính cô dùng dao tấn công bà.

Hiện Zimbawbe đang căng thẳng vì kinh tế suy thoái nghiêm trọng, và đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt để có thể thừa kế ngôi tổng thống của ông Mugabe đã 93 tuổi. Ông làm Tổng thống Zimbawbe suốt 35 năm nay.

Một khi ông Mugabe qua đời, hoặc từ chức, hai ứng cử viên thừa nhiệm chính là bà Mugabe, và ông Emerson Mnangagwa, vị phó tổng thống có sự ủng hộ mạnh mẽ của cơ quan an ninh Zimbabwe.

Tổng thống Mugabe và các đảng viên Zanu-PF luôn quy trách nhiệm cho phương Tây khiến kinh tế Zimbabwe suy yếu, do phương Tây trừng phạt nước này sau một vụ đàn áp hồi 15 năm trước.

Vài tuần gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế lên đỉnh điểm. Nỗi sợ thời siêu lạm phát năm 2008 sẽ quay lại đã khiến người dân đổ xô mua hàng tiêu dùng cơ bản khiến giá cả tăng vọt, trong khi họ không còn tin tưởng những ‘trái phiếu chính phủ’ đã bán hồi gần một năm trước.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ 10 năm trước, đã ‘lột sạch’ tiền tiết kiệm của người dân, các cửa hàng trống vắng và người dân không thể mua hàng tạp hóa, xăng. Xảy ra siêu lạm phát trước khi chính phủ bỏ đồng đô-la Zimbabwe để chuyển qua sử dụng đồng USD. Từ đó, nền kinh tế Zimbabwe không thể phục hồi.

Hiện Zimbabwe thiếu nhu yếu phẩm trầm trọng, các cửa tiệm ‘vô tư’ hét giá bán. Nếu tình hình kinh tế còn tiếp tục nặng nề, có thể lại bùng nổ những cuộc xuống đường phản đối từng làm chính phủ Mugabe rúng động hồi năm 2016.

Dù vậy, các Bộ trưởng vẫn nói không có bất kỳ khủng hoảng nào. Bộ trưởng Công nghiệp Mike Bimha nói: “Có những dấu chỉ cho chúng tôi tin tưởng kinh tế nước nhà đang thực sự phục hồi, ở ngành mỏ, nông nghiệp, sản xuất và du lịch. Nền kinh tế nước nhà đang trên đường phục hồi, và chúng ta chỉ cần dồn chút sức ép để có thể xoay ngược tình hình”. 

Bích Ngọc (theo Guardian)

   

Trần Trí