Bà Châu Thị Thu Nga khẳng định không lừa đảo, công ty vẫn có khả năng trả cho khách hàng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:38, 05/10/2017
Sáng 5.10, HĐXX tiếp tục xét xử vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Dự án B5 Cầu Diễn.
Trong phiên xử sáng nay, VKS tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Châu Thị Thu Nga khẳng định: “Chúng tôi không lừa đảo vì người đại diện theo pháp luật của Housing Group vẫn có khả năng trả cho khách hàng. Trong thời gian tạm giam, tôi có làm đơn gửi VKSNDTC để mong chứng minh tính pháp lý của các hợp đồng và có thể giải quyết cho khách hàng”. Theo bị cáo Nga, hiện công ty đã trả cho 43 khách hàng và đề nghị VKS xem lại số liệu về các khoản tiền đã trả lại cho các khách hàng.
Ngoài ra, trả lời những câu hỏi của VKS xoay quanh Dự án B5 Cầu Diễn cũng như về hành vi giúp sức cho bị cáo Nga lừa đảo, 9 đồng phạm của nguyên ĐBQH đều cho rằng mình chỉ làm theo chỉ đạo của bà Nga.
Đại diện VKS trong phiên xét xử Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm
Khách hàng mong muốn có nhà
Về phía khách hàng, trong tổng số 487/726 khách hàng được cơ quan điều tra lấy lời khai đều khẳng định đã biết dự án này qua thông tin của Công ty Housing Group đưa lên mạng Internet, do đó, nhiều khách hàng đã tìm đến mua căn hộ.
“Đối với số tiền chúng tôi nộp vào Công ty Housing Group thì Công ty phải có trách nhiệm với chúng tôi, còn bà Nga sử dụng số tiền này như thế nào, bà Nga phải chịu trách nhiệm”, đại diện ban khách hàng cho biết.
Theo cáo trạng, mặc dù chưa được cơ quan chức năng phê duyệt làm chủ đầu tư dự án, chưa được điều chỉnh quy hoạch và chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng phía Công ty vẫn cung cấp thông tin về dự án cho khách hàng, cho xem mô hình dự án và được giải thích để được khách hàng tin tưởng Housing Group là chủ đầu tư dự án. Từ đó, khách hàng tin tưởng, đồng ý ký hợp đồng đặt cọc, góp vốn.
Bị cáo Nguyễn Thị Tình – nguyên GĐ Sàn giao dịch Housing Group
Tại phiên tòa, theo theo hầu hết những người bị hại, họ đều có nhu cầu về nhà ở nên đã tìm hiểu kỹ lưỡng về dự án, lại được biết chủ đầu tư là đại biểu Quốc hội nên khách hàng vô cùng tin tưởng.
Một bị hại có mặt tại tòa trình bày: “Khi đến sàn giao dịch BĐS, ngoài được tư vấn, chúng tôi cũng yêu cầu được cho xem hồ sơ pháp lý về dự án. Chúng tôi cũng chỉ là người dân bình thường, được họ đưa ra khu vực xây dựng Dự án thấy đã có cọc nhồi, máy khoan, máy cẩu làm việc nên càng tin tưởng và mong muốn nộp tiền sớm để có một căn hộ ưng ý”.
Ngoài ra, có bị hại cho biết đã trực tiếp được bị cáo Nguyễn Thị Tình - nguyên GĐ Sàn giao dịch Housing Group - tư vấn. Theo lời khai của một bị hại tại tòa, ngoài số tiền nộp cho Housing Group, khách hàng còn phải nộp thêm tiền chênh lệch, tiền môi giới. Khi qua Housing Group được gặp bị cáo Tình để ký hợp đồng. Với số tiền 377 tỉ đồng được cho là lừa đảo như cáo trạng nêu, theo các bị hại, thực tế con số đấy còn lớn hơn rất nhiều và cũng có thể đã đi vào túi của Housing Group và bị cáo Nga.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Tình hoàn toàn phủ nhận thông tin trên từ phía khách hàng và cho biết không hề biết các bị hại ngồi trong phiên tòa là ai.
Nhã Thanh