Bóng đá Việt Nam có lớn mạnh hơn với những lời khen có cánh?
Thể thao - Ngày đăng : 07:20, 06/10/2017
Để chuẩn bị cho vòng loại U.19 châu Á, VFF đã cậy nhờ HLV thủ môn người xứ Wales, Jason Brown kèm cặp cho các tay giữ gôn của U.19 Việt Nam.
Và dù mới chỉ thị phạm được vài giờ cùng 3 thủ thành trẻ Phạm Đình Long (HAGL), Ê ly ni ê (Đắk Lắk), Dương Tùng Lâm (Hà Nội) nhưng thủ môn từng bắt cho Blackburn Rovers của Anh này đã cao hứng nhận xét rằng các thủ thành trẻ này có tố chất chơi bóng ở trời Âu.
Tức là tiềm năng phát triển là rất hứa hẹn.Đây không biết có phải là lời khen thật hay chỉ là sự động viên mang tính xã giao bởi ai cũng thấy những hạn chế không dễ khắc phục của cầu thủ và thủ môn xứ Việt.
Chưa cần nói đâu xa xôi, ngay tại các giải đấu thuộc khu vực ao làng Đông Nam Á, thủ môn của chúng ta đã mắc sai lầm sơ đẳng khiến U.22 rồi U.18 và U.16 Việt Nam bị loại cay đắng.
Lời khen có phần quá lời của Jason Brown không thể che đi thực tế đáng lo ngại của các thủ môn. Rõ ràng trong phạm vi khu vực và chỉ cần yêu cầu chơi tròn vai cũng chưa thể đạt được,nói chi đến những điều quá tầm.
Thậm chí lời tâng bốc dù chỉ xã giao kia của HLV cựu thủ môn Jason Brown dễ khiến người ta có cảm giác đó là kiểu “khen cho chết mầy chết, tao có mất chi đâu” khi liên tưởng đến những sai lầm liên tiếp của 3 thủ môn ở 3 cấp độ khác nhau, trong thời gian gần nhau dù được cảnh báo.
Cách đây chưa lâu, HLV Kim Shin Hwan của U.22 Timor Leste từng khen U.22 Việt Nam của Hữu Thắng là số 1 Đông Nam Á và sẽ vô địch SEA Games 29 sau khi chúng ta hạ đối thủ 4-0 ở vòng bảng.
Lời tán tụng của ông thầy người Hàn Quốc đến trong bối cảnh đội nhà thảm bại chứ không phải trước trận dễ khiến người ta hiểu rằng nó giống như lời bào chữa rằng vì đối thủ quá mạnh nên các học trò của ông mới thua tan nát.
Sau đó thì sao? Chúng ta về nước ngay từ khi vòng bảng vừa kết thúc. Nhận xét quá lời của ông thầy này và cả những tung hô kiểu nịnh hót đôi khi lại làm hại các cầu thủ, nhất là những lứa trẻ làm như chim mới ra ràng.
Họ dễ ảo tưởng vào năng lực của mình thay vì biết mình đang ở đâu để nỗ lực, tự hoàn thiện.
Trước đó nữa, bóng đá Việt mà cụ thể là dàn cầu thủ lứa đầu của lò HAGL từng nhận hàng loạt lời tâng bốc là những ngôi sao trẻ triển vọng, đủ sức chơi bóng ở Arsenal và châu Âu. Nhưng rồi họ đều thất bại ở các đội bóng hạng hai tại Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay cả khi về đá V.League cũng không có gì nổi bật.
Lên tuyển thì trận hay trận dở và thường “tắt điện” khi được kỳ vọng cao nhất, ở thời điểm quyết định đến thế cục. Thế mới nói lời khen là cần thiết, để kích thích tài năng, động lực làm việc nhưng nếu đặt sai chỗ hoặc quá đà có thể mang tới những nguy hại.
Trong khi đó, những lời nói thật lòng thì dễ làm xa nhau như trường hợp của ông GĐKT Jurgen Gede. Chuyên gia người Đức đã không ngại mà chỉ ra cố tật củanhững người thuê mình làm việc vì muốn gắn bó lâu dài với bóng đá trẻ xứ Việt.
Lẽ ra VFF phải có những động thái xem lại cung cách làm việc để định hướng nền bóng đá nước nhà thì họ lại cho đó là một sự phạm thượng không thể tha thứ được để rồi ông Phó chủ tịch phụ trách tài chính đăng đàn đòi đuổi cổ vị chuyên gia dám nói thẳng nói thật.
Nền bóng đá nước nhà mà VFF là tổ chức đứng đầu nên cần những lời nói rất thật nhưng mất lòng như của HLV người Áo, Alfred Riedl khi tuyên bố “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!” hoặc những lời góp ý chân thành của ông GĐKT người Đức hơn là những lời nói có cánh của những chuyên gia nói cho vui để làm quà gởi tặng Liên đoàn.
Minh Hùng