Người miền Tây khổ sở khắc phục hậu quả triều cường
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:10, 10/10/2017
Ngày 10.10, một đoạn đê bao sông Hậu ở KV.3, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, bị vỡ. Nước sông Hậu tràn vào vườn cây ăn trái của các hộ dân bên trong thiệt hại nặng nề. Vườn xoài hơn 2.000 m2 của gia đình ông Bùi Văn Hơn với khoảng 200 gốc đang trổ bông, dự kiến sẽ cho ra trái vào dịp Tết này đứng trước nguy cơ bị thiệt hại, 2 ao cá cũng bị ngập mất trắng…
Cũng ở gần đó, ông Nguyễn Hiếu Thiện cũng than trời vì hơn 1.000 con cá thác lác cườm sắp cho thu hoạch bị triều cường dâng lên đột ngột không kịp ngăn hiện chưa thể thống kê được thiệt hại. Còn gia đình ông Bùi Văn Dây, không biết “di dời” các con heo còn lại đi đâu, vì những ngày triều cường vừa qua khiến cho 4 con heo bị chết ngạt nước, ao cá cũng mất trắng, hàng chục con gà cũng chạy tứ tán…
Nhiều hộ dân ở KV.3, P.Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ, đang khổ sở vì nước ngập
Ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Q.Ninh Kiều, cho biết: “Nhằm thoát nước nhanh sau khi triều cường dâng, đơn vị đã và đang thực hiện việc nạo vét các kênh rạch. Đảm bảo vệ sinh ở khu vực các miệng cống, tránh tình trạng ùn ứ rác, gây nghẹt cống. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn để nắm tình hình, diễn biến của mực nước để từ đó có hướng điều chỉnh, vận hành các van xả lũ có hiệu quả”.
Chiều 10.10, nước trên các con sông khu vực Cần Thơ đã bớt dâng cao. Các khu đô thị mới ở An Khánh, nhiều con đường nội ô… đã không còn ngập nhưsáng cùng ngày. Nước đã có dấu hiệu rút dần. Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP.Cần Thơ, hiện UBND các quận, huyện trên địa đang chủ động, khẩn trương tăng cường công tác chống ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai, triều cường gây ra…
Nước dâng đến thắt lưng
Khoảng gần 1 tuần qua, là giai đoạn “đỉnh” của triều cường, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL chìm trong biển nước. Cụ thể, trên sông Hậu và các sôngrạch trên địa bàn TP.Cần Thơ nước dâng cao, từ 2 - 2,03 m (vượt báo động III từ 0,1 - 0,13 m), nhiều tuyến đường lớn bị ngập chìm trong nước, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, kinh doanh và giao thông đi lại của người dân...
Tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và đặc biệt là Bạc Liêu cũng bị triều cường tấn công. Tại Bạc Liêu, những ngày qua trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn khóm 2 và khóm 5, P.Hộ Phòng và xã Tân Phong (TX.Giá Rai), khu vực gần TT.Hòa Bình (H.Hòa Bình)… đã bị ngập nặng, do triều cường trên kênh Xáng Bạc Liêu - Cà Mau dâng cao.
Đô thị cũng ngập trong nước
Nhiều nhà dân sống trong khu vực cửa sông, cửa biển, bên ngoài hành lang dọc tuyến đê biển Đông; khu vực chợ ở thị trấn, thị xã ven biển… cũng bị ngập trầm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, mua bán của bà con.
Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu, từ tháng 10.2017, các đợt triều cường biển Đông sẽ mạnh dần đến cuối năm. Mức nước đỉnh triều cường tháng 10.2017 tại trạm Gành Hào (Bạc Liêu) khả năng sẽ vượt mức báo động III từ 0,1 - 0,2 m, cấp độ rủi ro thiên tai cấp II.
Vất vảkê đồ đạc lên cao
Một số ngày ảnh hưởng thời tiết xấu ngoài khơi sẽ có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8. Theo đó, mực nước tại cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu) cao nhất 2,10 m ngày 8.10, thấp nhất -1,95 m; mực nước tại Xẻo Rô (Kiên Giang) cao nhất 0,6 m xuất hiện ngày 12 - 14.10.
Theo dự đoán của ngành chức năng, triều cường sẽ còn tấn công trong tháng 10 này, tuy nhiên mức độ có xu hướng giảm dần, nước cũng bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân cần chủ động, kè mé, bảo vệ tài sản gia đình cũng như ruộng vườn để tránh thiệt hại thêm.
Nhiều đoạn ngập sâu khiến xe máy qua lại khó khăn
Hiện ngành chức năng bên cạnh công tác phòng chống kịp thời thống kê và có hướng hỗ trợ kịp thời cho người dân để mau chóng đầu tư, tái sản xuất ổn định cuộc sống.
Thanh Quốc