Nga dọa hạn chế hoạt động của giới truyền thông Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 15:22, 11/10/2017
Theo báo Washington Times ngày 10.10, Bộ Tư pháp Nga đã gởi thư cảnh cáo nhánh hoạt động ở Nga của Đài phát thanh châu Âu tự do (Radio Free Europe) và kênh thời sự tiếng Nga của Đài tiếng nói Hoa Kỳ.
Tác giả thư là Vladimir Titov, một quan chức Bộ trên, viết: “Hoạt động của các tổ chức của quí vị có thể là đối tượng phải chấp nhận những hạn chế đã được nêu trong pháp luật Liên bang Nga”.
Theo tờ báo Mỹ, Đài phát thanh châu Âu tự do ở Moscow sử dụng hơn 50 nhân viên, gồm một số người Nga. Văn phòng này đối mặt với sự hạn chế đưa tin ở Nga.
Ngày 10.10, Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Đài phát thanh châu Âu tự do và Đài tiếng nói tự do (Radio Liberty) tái khẳng định họ là những cơ quan tự do và độc lập với chính phủ Mỹ, tổ chức hoạt động báo chí trung thực và độc lập phục vụ thính giả toàn cầu.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp Nga-Mỹ vài tuần qua. Nga nói kênh truyền hình quốc tế Nước Nga ngày nay (RT) và trang tin điện tử Sputnik của chính phủ Nga đã bị Mỹ phê phán vì đưa tin xuyên tạc chính trị Mỹ. Washington đã gọi RT là cơ quan tuyên truyền của Điện Kremlin.
Hồi đầu năm nay, giới tình báo Mỹ đưa tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, tố cáo vai trò của RT ở Mỹ là can thiệp vào cuộc bầu cử này, nhưng RT phủ nhận.
Nay, RT phàn nàn việc hồi tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ gởi thư đến một công ty Nga có liên kết với RT, đòi công ty này phải đăng ký là một tổ chức nước ngoài, theo Luật đăng ký đại diện cho nước ngoài (FARA).
Luật FARA được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1938để chống sự xuyên tạc của phát xít Đức. Luật này buộc các tổ chức nước ngoài có ảnh hưởng đến dư luận Mỹ, tham gia vận động hành lang thì phải báo cáo chi tiết về hoạt động và kinh phí cho Bộ Tư pháp Mỹ biết.FARA cũng nhằm giảm việc nước ngoài tuyên truyền ở Mỹ nhưng không áp dụng với các công ty truyền thông.
Các quan chức Bộ từ chối bình luận về phàn nàn của RT.
Tuần trước, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo: Moscow có quyền hạn chế hoạt động của truyền thông Mỹ.
Bà Zakharova cáo buộc Washington cản trở hoạt động của RT tại Mỹ và Moscow có quyền trả đũa: “Chúng tôi chưa bao giờ dùng luật của Nga để gây áp lực, cấm đoán, kiểm duyệt báo chí nước ngoài, nhưng đây là một trường hợp cụ thể”.
Bà Zakharova dẫn một bộ luật năm 1991, cho biết: “Nếu báo đài chúng tôi bị gây cản trở tại nước ngoài, thì Moscow có quyền áp đặt biện pháp hạn chế hoạt động đối với giới truyền thông của quốc gia đó ở Nga”.
Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên không nêu cụ thể bất kỳ báo đài nào của Mỹ sẽ bị hạn chế hoạt động ở Nga.
Một số thành viên Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga) cũng muốn giảm số cơ quan truyền thông Mỹ tại Ngađể phản ứng việc Mỹ bắt RT ở Mỹ phải đăng ký là một tổ chức nước ngoài.
Báo Izvestia (Nga) đưa tin hôm 9.10, Thượng viện Nga đề nghị cắt số cơ quan truyền thông Mỹ để ngang bằng số cơ quan báo chí Nga ở Mỹ. Các biện pháp trả đũa này có thể nhắm vào Đài tiếng nói tự do, Đài tiếng nói Hoa Kỳ và kênh thời sự tư nhân CNN, cùng nhiều tờ báo như Washington Post, New York Times, The Wall Street Journal.
Bích Ngọc (theo Washington Times)