Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không công nhận Đại sứ Mỹ

Quốc tế - Ngày đăng : 19:58, 11/10/2017

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng các quan chức nước ông sẽ tẩy chay Đại sứ Mỹ, làm sâu thêm mối quan hệ đang ngày một rạn nứt giữa Ankara và Washington.

Ông Erdogan cho hay nước ông sẽ không còn coi Đại sứ Mỹ John Bass là đại diện của chính quyền Mỹ tại Ankara, sau khi Đại sứ Quán Mỹ ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc tranh cãi ngoại giao mới này nổ ra hồi tuần trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt một nhân viên người bản xứ làm việc tại Lãnh sự Quán Mỹ, vì cho rằng có liên can đến vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

Cụ thể, theo một số phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, nhân viên người bản xứcủa Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul bị cáo buộc phá hoại thể chế hiến pháp, hoạt động tình báo và nỗ lực lật đổ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân viên này còn bị nghi ngờ có các mối liên hệ với cựu Công tố viên Zekeria và các quan chức cảnh sát khác chịu trách nhiệm điều tra các vụ tham nhũng lớn của các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 12.2013.

Đáp lại, Mỹ nhanh chóng ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái khiến Ankara đưa ra lệnh đáp trả tương tự.

"Chúng tôi không muốn gặp và thực hiện các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng, nghị sĩ quốc hội và bản thân tôi với vị đại sứ này. Chúng tôi không còn coi ông ta là Đại diện của nước Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nói.

Trên thực tế ông Bass đang chờ để chuyển công tác sang Afghanistan và theo truyền thống thì ông sẽ thực hiện các chuyến thăm tới quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trước khi rời nhiệm sở. Cho dù ông Bass chỉ còn tại nhiệm một thời gian ngắn nữa thì việc Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Đại sứ Mỹ là một tiền lệ chưa từng có.

Ông Erdogan cho hay cảnh sát nước ông đã tìm thấy nhiều chứng cớ cho thấy "có chuyện gì đó đang xảy ra ở Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul", và nước Mỹ cần phải xem xét làm sao lại có những nhân vật như vậy - tham gia vạch kế hoạch đảo chính - thâm nhập vào "lãnh sự quán".

Nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã cáo buộc Washington có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7.2016, dù Ankara đổ lỗi trực tiếp cho Giáo sĩ sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen thực hiện vụ đảo chính.

Washington nhiều lần bác bỏ sự tham gia của mình trong vụ đảo chính hồi năm ngoái, nói đây là một thuyết âm mưu vô nghĩa. Mỹ cũng cho hay họ không thấy nhân viên lãnh sự quán của mình có liên quan đến vụ đảo chính, đồng thời từ chối dẫn độ ông Gulen cho phía Ankara.

"Những hành động này làm chúng tôi vô cùng lo lắng, tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức cho người đàn ông được gặp luật sư. Chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nhân viên của chúng tôi tham gia các hành động mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói.

Ái Vi (theo The Guardian)

Hà Ngọc Bách