'Ôm' nợ hàng nghìn tỉ, Vinachem xin giảm lãi suất

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:52, 13/10/2017

Tính đến ngày 31.8 vừa qua, các dự án của Vinachem còn nợ ngân hàng VDB và Vietinbank tổng cộng hơn 13.000 tỉ đồng.
          

Báo cáo vừa được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trình lên Bộ Công Thương cho biết 4 dự án của Vinachem đang vay vốn đầu tư dài hạn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) lên tới 12.565 tỉ đồng và vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với số tiền 5.407 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31.8 vừa qua, sau khi đã trả một phần, 4 dự án của Vinachem bao gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai còn nợ VDB hơn 8.588 tỉ đồng, nợ Vietinbank hơn 5.036 tỉ đồng.

4 dự án nêu trên của Vinachem vay vốn lưu động của Vietinbank, BIDV, Vietcombank và các ngân hàng thương mại khác hơn 2.418 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là vay vốn lưu động tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV với hơn 1.273 tỉ đồng.

Trước những khoản nợ trên, Vinachem đề nghị xin kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay với các khoản nợ vay đầu tư dài hạn chưa được VDB giải quyết vì kiến nghị này vượt thẩm quyền của VDB. 

"Hiện tại, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn nên không thu xếp được nguồn vốn để trả nợ gốc, lãi nên dẫn đến phát sinh số tiền nợ gốc, lãi quá hạn lớn", Vinachem cho biết.

Vinachem cũng cho biết, việc vay vốn lưu động của các công ty hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, chỉ các ngân hàng đang có dư nợ tại các đơn vị mới tiếp tục cho vay để thu hồi dần nợ. Các ngân hàng không cấp lại hạn mức, hoặc cấp ở mức rất thấp đồng thời kèm theo các điều kiện giải ngân khắt khe hơn.

Theo đó, Vinachem kiến nghị được kéo dài thời hạn vay các hợp đồng tín dụng tại VDB thành 20 năm, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn, cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau. Và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.

Tập đoàn cũng đề xuất điều chỉnh lãi suất tiền vay tại VDB. Cụ thể trong 5 năm từ 2017 đến 2021 lãi suất 3%/năm, từ 2022 trở đi các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước.

Ngoài ra, tập đoàn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận các giải pháp tín dụng như: Cho phép các đơn vị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với trường hợp đơn vị phát sinh nợ quá hạn trên cơ sở khách hàng có phương án khả thi...

Những khoản nợ của Vinachem bắt nguồn từ gánh nặng chi phí khấu hao cùng lãi vay lớn. Bên cạnh đó, thị trường phân bón bước vào giai đoạn bão hòa, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu, trong khi nguồn cung phân đạm Việt Nam gia tăng do các đơn vị đầu tư mở rộng năng suất tại các nhà máy, dẫn đến thừa cung.

Tuyết Nhung

   

tuyetnhung