Tỉnh Quảng Ngãi trả lời nghi vấn ‘thông thầu’ với doanh nghiệp làm dự án BT
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:22, 19/10/2017
Trả lời phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói: “Không có đâu, làm gì có chuyện thông thầu”.
Dự án này nằm ở phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi. Dự án làm theo hình thức BT, nhà thầu sẽ làm công viên Thiên Bút, sau đó tỉnh Quảng Ngãi sẽ đổi đất ở vị trí khác cho nhà thầu thực hiện dự án thu hồi vốn.
Theo bản đồ quy hoạch không gian cảnh quan do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi công bố, dự án công viên Thiên Bút và khu đô thị sinh thái Thiên Tân có tổng diện tích hơn 513.000 m2; trong đó đất công viên Thiên Bút chiếm 37,5%, đất đô thị Thiên Tân chiếm 62,5% nằm bao bọc xung quanh ngọn núi giáp mặt tiền các tuyến đường kể cả QL1A.
Bản đồ quy hoạch không gian cảnh quan dự án công viên Thiên Bút và khu đô thị sinh thái Thiên Tân
Từ núi Bút nhìn về trung tâm đường Phạm Văn Đồng
Dưới chân núi đã được san ủi
Trên đỉnh núi có lán trại
Máy móc, lán trại và công nhân của công ty Thiên Tân đóng dưới chân núi Bút
Núi Thiên Bút nằm giữa trung tâm TP.Quảng Ngãi, cuối trục đường Phạm Văn Đồng, con đường đóng trụ sở của các cơ quan, sở ngành tỉnh Quảng Ngãi. Trên hiện trường, một tuyến đường lớn được đào vòng xung quanh núi để đi lên đỉnh. Các loại cây cối đang được trồng mới. Ở trên đỉnh núi, bên cạnh dấu tích tháp Chăm cổ là lán trại của công trình. Dưới núi, lán trại, công nhân và máy móc của Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân vẫn đang đóng chân.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã ra hàng loạt công văn, kế hoạch để xây dựng công viên này. Mãi đến cuối tháng 8.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mới ký quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án công viên Thiên Bút theo hình thức BT. Theo đó nhà đầu tư trúng tuyển là Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân.
Ngày 13.10.2017, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi mới có công văn đề nghị Sở KH-ĐT khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án công viên Thiên Bút theo hình thức BT để phê duyệt theo tờ trình của Sở Xây dựng.
Tuy quy trình hiện tại là đang phê duyệt để lựa chọn nhà thầu thực hiện nhưng khoảng 1 năm nay công ty Thiên Tân đã tiến hành làm các hạng mục trên núi Thiên Bút khiến dư luận nghi vấn.
Lãnh đạo tỉnh nói gì
Trao đổi với Một Thế Giới về những thắc mắc trên, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói: “Cái đó (dự án) chưa thể nói của ông Lập (ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân) được. Tháng 8 vừa rồi đấu thầu thì chỉ có một mình (công ty) ông Lập tham gia và trúng thầu. Tỉnh đang chuẩn bị làm hồ sơ mời ổng đến làm các thủ tục tiếp theo để xác định ký hợp đồng”.
Về việc công ty Thiên Tân triển khai một số hạng mục gần 1 năm nay, ông Minh cho biết: “Cái đó là trồng cây, mùa mưa năm ngoái trồng cho nó sống chứ trồng mùa nắng nó chết. Ông Lập có nói là nếu nhà thầu nào tham gia đấu trúng thì ổng thống nhất rút, nhà thầu nào trúng thì làm. Về danh chính ngôn thuận thì ổng chưa có tư cách gì nhưng cho tranh thủ trồng cây trước cho cây sống”, ông Phó chủ tịch nói và cho biết việc này trình tự đấu thầu công khai; hiện các sở ngành đang xác định giá các khu đất để hoàn trả, xong xuôi ký hợp đồng rồi triển khai thi công.
Cũng theo ông Minh, hiện Khu đô thị Thiên Tân chưa đặt vấn đề gì hết, trước mắt làm công viên Thiên Bút. “Cái này làm theo hình thức BT nên rườm rà, thời gian kéo dài. Chuyện chỉ là trồng cây rồi sau này ai trúng thì làm''.
Đường lên núi được đào bới, công nhân đang tiếp tục trồng cây
Xác nhận với Một Thế Giới, ông Huỳnh Kim Lập cho biết: “Dự án này trước có một công ty kinh doanh nhà ở Hà Nội làm, nhưng họ đền bù xong rồi bỏ. Sau đó tôi đề xuất tỉnh để đó tôi làm với tinh thần là làm cho quê hương tốt lên thôi chứ tôi không làm gì khuất tất đâu. Nên tỉnh đồng ý với đề xuất và đồng ý cho tôi làm rồi”.
“Nhưng làm theo hình thức BT thì thủ tục rất lâu nên tôi đề xuất trong mùa mưa trồng cây với trồng cỏ trước để rút thời gian lại thì tỉnh chophép. Còn thời gian sau này đấu thầu thì không ai tham gia. Giờ vẫn đang làm thủ tục thôi”, ông Lập nói và cho biết việc trồng cây trước khi đấu thầu là chủ trương của tỉnh chứ mình không dại gì mà làm vậy.
Cũng theo ông Lập: “Núi này nguyên trước đây là đồn của Mỹ đào làm các công sự nên mình chỉ đào đắp lại những công trình đó. Đường vòng quanh núi là do Sở VH-TT-DL nhờ chúng tôi làm để họ lên khai quật tháp Chăm cổ trên đỉnh”.
Di tích Chăm trên núi Bút
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, vào tháng 2.2017, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật tại tháp núi Bút và thu được nhiều hiện vật; đã đăng ký số và làm phiếu hiện vật cho 109 hiện vật di tích.
Các hiện vật thu được bao gồm nhiều loại chất liệu: Đất nung, gốm sứ có men, đá. Ngoài ra còn có gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật gồm gạch vỡ, mảnh gốm, sành, sứ.
Cơ quan chức năng còn khai quật được hai tượng Kinnari không nguyên vẹn: mất đầu và một phần cánh, hai đầu tượng Nam thần không nguyên vẹn. Đặc biệt bộ Linga - Yoni có kích thước lớn.
Vết tích tháp Chăm núi Bút bên cạnh lán trại công trình
Các chuyên gia đoán định tháp núi Bút hình thành khoảng cuối thế kỷ XI. Đây là di tích Chăm mới, là một trong số rất ít di tích Chăm được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện, khai quật và nghiên cứu.
Các nhà khảo cổ kiến nghị như: Cần bảo tồn và sớm phục hồi lại nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chăm núi Bút; bảo vệ và phát huy di tích đã được phục hồi bằng một kiến trúc vừa có chức năng bảo vệ, vừa có hình thức thẩm mỹ tương xứng với giá trị và phù hợp với cảnh quan đặc biệt của núi Bút.