Hàng chục ngàn hộ dân ở TP.HCM vẫn chưa được cấp sổ đỏ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:53, 19/10/2017
Cấp giấy chứng nhận còn nhiều tồn đọng
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Trần Văn Thạch, hiện nay trên địa bàn TP.HCM về cơ bản nhà, đất của các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, về cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, từ năm 2012 đến năm 2015, TP.HCM đã cấp gần 4.900 giấy với hơn 39.400 ha. Để tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận đối với những trường hợp tồn đọng, thành phố đã yêu cầu các quận huyện rà soát số lượng nhà, đất chưa cấp giấy chứng nhận trong năm 2017.
Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ mới có 17/24 quận huyện báo cáo với hơn 42.000 trường hợp tồn đọng, chưa cấp giấy chứng nhận. Trong đó, vướng mắc nhiều nhất là các trường hợp vướng quy hoạch, vi phạm luật đất đai, đang tranh chấp với hơn 21.100 trường hợp. Tiếp đến là do chuyển nhượng giấy tay sau ngày 1.7.2014 với gần 15.000 trường hợp. Đặc biệt, thành phố cũng có gần 6.100 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp giấy chứng nhận.
Để giải quyết dứt điểm các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất chuyển nhượng bằng giấy tay còn lại, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nói rằng, Sở này đã kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai tiếp tục xem xét bổ sung thêm quy định cho phép giải quyết đối với các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay từ sau ngày 1.1.2008 đến trước ngày 1.7.2014.
Sở cũng kiến nghị Thường trực Thành ủy có ý kiến với Chính phủ cho phép UBND TP.HCM phân cấp chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đặt trụ sở tại cấp huyện được trực tiếp ký cấp giấy chứng nhận và đóng dấu của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Cụ thể, cần phân cấp cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận huyện được cấp sổ đối với các trường hợp biến động mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được lựa chọn hình thức cập nhật trên trang 3, 4 giấy chứng nhận gốc hoặc cấp mới giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Đối với các trường hợp cấp giấy chứng nhận đối với nhà, công trình vi phạm xây dựng sau ngày 1.5.2009, Sở kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường trong việc thống nhất quy chế trao đổi ý kiến, các trường hợp cần xử lý vi phạm xây dựng trước khi cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị đối với những trường hợp mua bán nhà sai hiện trạng trước ngày 1.7.2006 thì giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua theo hiện trạng thực tế. Đối với những trường hợp mua bán nhà sai hiện trạng sau ngày 1.7.2006 đến trước 1.7.2014, chủ cũ phải có cam kết về việc đã bán hoặc tặng cho nhà theo hiện trạng thực tế. Song song đó là đồng ý cho người mua được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định, sau khi có cam kết nêu trên thì giải quyết cấp đổi giấy chứng nhận và chứng nhận quyền sở hữu nhà cho chủ mới theo hiện trạng thực tế.
Trong trường hợp các bên không cung cấp được cam kết và công trình chỉ được tồn tại mà không đủ điều kiện để chứng nhận sở hữu, thì chỉ cấp đổi giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất.
Cấp giấy chứng nhận là nhu cầu chính đáng của người dân
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, thành phố đang nghiên cứu sửa đổi và sắp tới sẽ ban hành quyết định thay thế quyết định 33/2014/QĐ ngày 15.10.2014 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Tuy nhiên, vấn đề tách thửa phải xem xét một cách khoa học và kiểm soát chặt.
Thành phố cũng đang nghiên cứu sửa đổi quyết định 56/2012/QĐ ngày 10.12.2012 quy định về trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất từ thuê đất sang giao đất tại TP.HCM do hiện nay có nhiều vấn đề đã lạc hậu.
Về công khai quy hoạch, ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho hay, thành phố đang khuyến khích các quận huyện triển khai nhanh phần mềm công bố quy hoạch để người dân dựa vàoxin phép xây dựng và tiến tới đăng ký cấp phép nhanh. UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành đẩy mạnh rà soát những gì pháp luật cho phép, không đợi các quận huyện làm để giải quyết nhanh hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.
Chỉ đạo về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đấtlà nhu cầu hết sức chính đáng của người dân, tổ chức.
Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường làm rõ thực trạng, nguyên nhân vi phạm luật pháp về quyền sử dụng đất để kiến nghị giải pháp quản lý. Sở Xây dựng cần làm rõ vi phạm trong xây dựng để có giải pháp giải quyết phù hợp. Về lâu dài, UBND TP.HCM tìm cách đổi mới mô hình quản lý xây dựng.
Đối với vấn đề quy hoạch chưa khả thi và dự án treo, ông Nhân chỉ đạo, đối với những dự án đã quy hoạch sau 5 năm không triển khai hoặc triển khai không đáng kể đề nghị UBND TP.HCM rà soát, thống kê để có biện pháp thu hồi quy hoạch. Đặc biệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận huyện sớm hoàn thiện và công bố quy hoạch trên hệ thống mạng.
Phan Diệu