Bảo mật và mô hình dữ liệu tốt luôn song hành cùng khởi nghiệp IoT
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:00, 20/10/2017
Hi-Tech Konec là chuỗi sự kiện khởi động trước Ngày hội khởi nghiệp KH&CN TECHFEST 2017 diễn ra vào trung tuần tháng 11 do 3 đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp Kisstartup, Innovatube và Trung tâm dịch vụ tổng hợp Khu CNC Hòa Lạc tổ chức.
Nắm được nguồn dữ liệu là nắm được tương lai
Từ năm 2014 - 2016, trong lĩnh vực Internet có FPT, VNG, VCCorp tham gia nghiên cứu và ứng dụng Big Data trong phân tích hành vi khách hàng… Đến nay, Big Data ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với không chỉ các doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế quốc gia nhờ cơ chế thu thập, phân tích thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định kịp thời, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hoá chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO đồng thời cũng là người sáng lập Hệ sinh thái y tế đầu tiên tại Việt Nam (Ecomedic), để xây dựng một hệ thống Big Data, doanh nghiệp cần tập trung vào nguồn dữ liệu, phải sắp xếp theo một khuôn thức thống nhất để những nguồn thông tin có thể tiếp cận được với bên ngoài. Những doanh nghiêp nào nắm được trong tay nguồn dữ liệu lớn thì doanh nghiệp đó sẽ thành công.
Ông Phạm Nam Long - CEO ABIVIN – Công ty phát triển các giải pháp phần mềm phân tích và tối ưu hoá dữ liệu lớn chia sẻ: “Big Data cần tập trung vào hai điểm chính: cần tổng hợp được các dữ liệu và xác định được điểm bất thường trong dữ liệu của mình. Việc tận dụng nguồn dữ liệu giúp các doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định ở các cấp khác nhau. Nắm được nguồn dữ liệu là nắm được tương lai vì có thể dự đoán được xu hướng, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí khác nhau”.
IoT sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài Big Data, IoT (Internet vạn vật) cũng mang đến cho con người những ứng dụng của tương lai với tiềm năng lớn.
Ông Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Tập đoàn DTT nhấn mạnh: “Đến năm 2025, IoT sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực. Nền kinh tế dựa trên IoT sẽ tạo ra giá trị lên tới 12 tỉ USD. Nhưng đáng tiếc, chúng ta vẫn nhìn nhận các ngành công nghiệp theo lối cũ, chủ yếu tập trung vào mô hình B2C (Business to Customer – Doanh nghiệp với khách hàng) mà bỏ quên B2B (Business to Business (doanh nghiệp với doanh nghiệp)”.
Chia sẻ kinh nghiệm với các startup, ông Trung cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu do nhu cầu của người tiêu dùng thông minh gia tăng, dẫn tới nhu cầu cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng và yêu cầu dịch vụ phải nhanh và tối ưu. Tất cả mọi người đều có nhu cầu về sản phẩm tốt hơn và sẽ đến những giai đoạn có nhu cầu về sản phẩm mang tính đột biến.
Thu Anh