Ông Trần Vĩnh Tuyến: TP.HCM sẽ có thêm nhiều công viên khoa học
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:41, 20/10/2017
Ngày 20.10, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị thường niên Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 (ASPA 21) với chủ đề “Công viên khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực khoa học và công nghệ TP.HCM tăng 16,9%, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu; năng suất lao động tăng 5,6%, cao gấp 1,3 lần cả nước. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 33,1% cao hơn mức bình quân cả nước là 29%, trong đó khoa học công nghệ chiếm khoảng 70%.
Đối với lĩnh vực công nghệ cao, TP.HCM rất quan tâm phát triển và đã thu hút được 130 dự án với tổng mức đầu tư 6,8 tỉ USD, giá trị gia tăng sản phẩm công nghệ cao đạt trung bình 28%. Với đà tăng trưởng này, dự kiến đến năm 2020 lĩnh vực công nghệ cao sẽ đóng góp 10% GRDP của thành phố.
Theo ông Phong, hiện nay, TP.HCM đã có Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, nhằm tăng cường thu hút đầu tư các ngành giàu chất xám, thành phố cũng đang nỗ lực xúc tiến thành lập Công viên khoa học công nghệ tại quận 9 với quy mô 200ha. Công viên khoa học này có tổng mức đầu tư 4.300 tỉ đồng.
“Đây sẽ là nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm công nghệ xanh, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ… và là nền tảng để thành phố phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Phong nói.
Do vậy, để TP.HCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, ông Phong cho rằng TP.HCM rất cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, đề cập đến định hướng phát triển khu công viên khoa học của TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định, việc hình thành và phát triển các khu công viên khoa học là một trong những giải pháp tích cực để thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Định hướng của TP.HCM là phát triển thêm nhiều công viên khoa học, nhằm hướng đến hình thành Khu đô thị khoa học công nghệ. Đồng thời, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư. Từ đó, hình thành doanh nghiệp lớn, tập đoàn công nghệ; hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao; hội nhập quốc tế ngày càng sâu về kinh tế và khoa học - công nghệ.
Được biết, hội nghị thường niên Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 sẽ diễn ra đến hết ngày 21.10. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ trình bày 28 tham luận, trong đó có 5 tham luận ở phiên chính và 23 tham luận ở các phiên song song liên quan đến các nội dung như phát triển công nghệ hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn; cơ hội hợp tác phát triển của các công viên khoa học châu Á; quỹ đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trong khu công viên khoa học…
Hiệp hội các Khu công viên khoa học Châu Á là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1997 tại Nhật Bản. Mục đích của hiệp hội này là nhằm thúc đẩy sự phát triển chung trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển các nền kinh tế tại các nước châu Á. Đến nay, ASPA có 138 thành viên. Trong đó, Việt Nam có 3 thành viên ASPA là Khu Công nghệ cao TP.HCM, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phan Diệu