Cựu bác sĩ đoàn thể thao Olympic Trung Quốc tố cáo việc bắt vận động viên dùng doping

Quốc tế - Ngày đăng : 11:44, 25/10/2017

Một cựu bác sĩ của đoàn thể thao Olympic Trung Quốc vừa “tuýt còi”: các quan chức thể thao Trung Quốc bắt buộc hơn 10.000 VĐV ở tất các môn thể thao phải dùng chất kích thích (doping) để có thành tích thi đấu.

Người tố cáo là bà Xue Yinxian, 79 tuổi, đang xin tị nạn chính trị ở Đức. Bà khẳng định tất cả số huy chương mà Trung Quốc giành được ở những sự kiện thể thao lớn trong những năm 1980-1990 là nhờ các VĐV thời kỳ đó sử dụng doping.

Xue còn khẳng định với kênh tin tức ARD (Đức): “Trong những năm ấy, VĐV ở các đội tuyển Trung Quốc đều sử dụng rất nhiều chất kích thích. Các huy chương Vàng, Bạc, Đồng đều nhuốm màu bẩn doping”.

Bà Xue nói thêm: “Khoảng hơn 10.000 người dính líu. Ai nấy đều tin vào doping và bất kỳ người nào sử dụng chất kích thích đều được xem là người bảo vệ tổ quốc. Cần phải thu hồi tất cả các huy chương quốc tế mà các nhà thể thao Trung Quốc thời kỳ đó giành được”.

Vấn đề là không thể thu hồi số huy chương đã trao, vì thời hiệu của chúng đã qua từ lâu.

Vị nữ bác sĩ tố cáo nạn doping có hệ thống trong thể thao Trung Quốc

Bà Xue còn nói các VĐV nhí Trung Quốc từ 11 tuổi đã bị bắt buộc sử dụng chất kích thích, dù các em tập luyện ở bất kỳ môn thể thao nào: bóng đá, bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, nhảy cầu, thể dục dụng cụ và cử tạ. Bà khẳng định bất kỳ ai lên tiếng phản đối đều bịngồi tù.

Theo Guardian, bà Xue từng là bác sĩ tham gia nhiều đội tuyển quốc gia Trung Quốc trong những năm 1970. Nhưng năm 2012, sau khi lên tiếng phản đối nạn doping, bà phải cùng con trai trốn khỏi Trung Quốc.

Bà cho biết rằng chỉ biết vấn đề nhức nhối nàykhi một huấn luyện viên đến tìm bà, tỏ ý lo ngại sự thay đổi thể chất của những nam VĐV trong độ tuổi 13-14, do các em bị các quan chức ép sử dụng chất kích thích.

Bà Xue nói: “Lúc đầu, các nhóm VĐV theo từng nhóm tuổi bị bắt sử dụng doping, trẻ nhất là từ lúc 11 tuổi. Nếu người nào từ chối doping thì phải rời khỏi đội. Tôi chẳng thể làm gì khác”.

Bà cho biết đã bị cấm phục vụ đội tuyển quốc gia, vì bà đã từ chối tiêm chất kích thích cho một VĐV thể dục dụng cụ ở Olympic mùa hè Seoul 1988 (ở Hàn Quốc) nhưng sau đó bà vẫn được giữ làm việc ở mảng thể thao phong trào của Trung Quốc.

Bà Xue nói với ARD: “Bất kỳ ai chống doping là gây hại cho tổ quốc, và bất kỳ ai gây nguy hiểm cho tổ quốc nay đều ngồi tù. Các quan chức cảnh báo tôi chớ lên tiếng về chuyện lạm dụng chất kích thích. Họ yêu cầu tôi phải tuân lệnh, nhưng tôi nói tôi không thể. Họ muốn bịt miệng tôi... các con trai tôi đều bị mất việc”.

ARD đã cố gắng liên lạc với Ủy ban Olympic Trung Quốc và Bộ Thể thao Trung Quốc để đề nghị các cơ quan này bình luận, nhưng hãng tin không được hai cơ quan này hồi âm.

Trung Quốc từ lâu bị dính líu những vụ cáo buộc doping, nhưng chưa bao giờ rầm rộ như lúc này. Hồi tháng 2.2017, các VĐV của HLV điền kinh Ma Junren đã khẳng định: họ bị buộc phải dùng các chất doping để nâng cao thành tích thi đấu.

Trong một lá thư do hãng tin Tencent Sports đăng tải, họ viết: “Chúng tôi là người, không phải súc vật. Suốt nhiều năm, chúng tôi bị buộc phải dùng một liều lượng lớn những loại thuốc phi pháp. Đúng vậy đó”.

Các học trò của Ma được gọi là “Đạo quân Ma”, đã phá 66 kỷ lục quốc gia và kỷ lục thế giới. Ma tuyên bố thành tích của các học trò là tích cực rèn luyện ở vùng núi cao Tây Tạng, húp cháo máu rùa và uống loại đông dược đông trùng dạ thảo.

Bích Ngọc (theo Guardian)

Trần Trí