Nhiệm vụ nặng nề chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT và tân Tổng thanh tra CP
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:58, 24/10/2017
>>Cử tri đặc biệt quan tâm các vấn đề BOT, tàn phá rừng, công tác cán bộ...
>>Đang xem xét tư cách ĐBQH của Trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai
Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm; bổ nhiệm 2 ‘tư lệnh’ ngành
Theo lịch làm việc, sáng nay, ngày 24.10.2017, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và về công tác nhân sự.
Cụ thể, cuối giờ chiều nay, ngày 24.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.
Đầu giờ chiều ngày 25.10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với 2 cán bộ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội; nhân sự được miễn nhiệm phát biểu ý kiến (nếu có).
Tiếp đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.
Cuối giờ chiều 25.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ... sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ.
Sáng 26.10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.Chiều 26.10, Trưởng ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ. Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự 2 chức danh này.
Nhiệm vụ nặng nề chờ tân Bộtrưởng và tân Tổng thanh tra
Xưa nay, rất ít khi tư lệnh ngành rẽ ngang khi chưa đi được nửa nhiệm kỳ. Đối với hai vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng thanh tra Chính phủ sẽ có nhiều thách thức cho người kế nhiệm tới đây, bởi đây là hai lĩnh vực rất nóng.
Với ghế nóng Bộ trưởng Bộ GTVT, hàng loạt nhiệm vụ, trọng trách và thách thức lớn đang được đặt ra đối với tân Bộ trưởng Bộ GTVT đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến câu chuyện phát triển hạ tầng giao thông: như những vấn đề xung quanh BOT; dự án (DA) cao tốc Bắc – Nam đường bộ, đường sắt; câu chuyện của DA xây dựng sân bay Long Thành... Tất thảy đều là những DA cần lượng tiền khổng lồ trong khi đó, ngân sách nhà nước lại đang hết sức hạn hẹp, vốn vay ODA cũng trong giai đoạn khó khăn.
Câu chuyện về những bất cập phát sinh khi triển khai các DA BOT về hạ tầng giao thông, chất lượng công trình không tương xứng với nguồn vốn bỏ ra. Đỉnh điểm là hàng loạt các trạm thu phí BOT bị người dân phản ứng một cách gay gắt bởi sự bất hợp lý khi đặt trạm thu phí. Câu chuyện BOT đã và đang là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ nêu ra tại các kỳ họp Quốc hội.
Chưa hết, lĩnh vực giao thông còn mang những thách thức, nhiệm vụ nặng nề chờ tân Bộ trưởng giải quyết, đó là chuyện ùn tắc giao thông tại những đô thị lớn, nhất là TP.Hà Nội và TP.HCM. Sự gia tăng về dân số tại 2 thành phố lớn nhất nước này kèm theo sự gia tăng lượng phương tiện giao thông cá nhân nhưng hạ tầng giao thông đô thị lại quá hạn chế. Điều này đã và đang khiến các nhà quản lý ngành, chính quyền địa phương đau đầu nhiều năm nay nhưng chưa có cách giải quyết thấu đáo.
Câu chuyện quá tải không chỉ đến từ giao thông đường bộ, với sự phát triển của ngành hàng không, việc quá tải của nhiều cảng hàng không, nhất là cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một điển hình. Dù DA sân bay Long Thành đã được triển khai, nhưng cho tới nay, nó cũng như hầu hết mọi DA khác là... chậm tiến độ (chậm tiến độ 8 tháng so với kế hoạch).
Còn với ghế nóng Tổng thanh tra Chính phủ, thách thức cũng không hề nhỏ. Khi mà guồng quay của cả hệ thống chính trị đang quyết liệt tiêu diệt những kẻ tham ô, tham nhũng, những nhóm lợi ích, những “gia đình quan” khi mà “lò đã lên lửa”. Hàng loạt nhiệm vụ liên quan tới việc thanh tra xử lý vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, thanh tra tài sản quan chức, công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ tại các địa phương… đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhân dân.
Chính bởi vậy mà chương trình nghị sự về nhân sự của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này đã được thay đổi. Thay vì công tác nhân sự sẽ được bàn ở cuối kỳ họp thì được đưa lên bàn ngay đầu kỳ họp. Thay vì Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa sẽ là người trình bày báo cáo khả thi DA giải phóng mặt bằng, tái định cư làm sân bay Long Thành, DA cao tốc Bắc - Nam (đường bộ và đường sắt) trước Quốc hội thì sẽ là tân Bộ trưởng kế nhiệm ông Nghĩa. Việc trình bày này sẽ được đẩy về cuối kỳ họp.
Cũng bởi sự cấp bách, thay vì ông Sáu sẽ trình bày DA luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) thì sẽ là tân Tổng thanh tra Chính phủ.
Việc để 2 vị tân tư lệnh ngành trình bày trước Quốc hội nhằm mục đích họ ý thức được trọng trách của mình đối với công việc được giao đảm nhiệm.
Nam Phong