Scandal quấy rối tình dục đã 'nhuộm đen' lịch sử Hollywood ra sao?
Văn hóa - Ngày đăng : 10:03, 25/10/2017
Cụm từ casting-couch, hay ‘thử vai trên giường’ (ám chỉ các yêu râu xanh ấn mình dưới chức danh đạo diễn, sản xuất phim,.. dùng mánh khóe đồi bại để xâm hại nghệ sĩ) không hề mới mẻ ở Mỹ. Từng chỉ được thì thầm nơi trường quay, giờ đây, người ta lại đề cập đến nó rộng rãi trên mặt báo lẫn sóng truyền hình. Và lịch sử của thuật ngữ này, mỉa mai thay, cũng lâu đời như lịch sử xây dựng Hollywood.
Scandal lớn đầu tiên
Vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng đầu tiên khiến dư luận Hollywood bàng hoàng diễn ra năm 1921, khi danh hài Roscoe Arbuckle vướng nghi vấn ngộ sát nữ minh tinh - người mẫu Virginia Rappe. Cả hai gặp gỡ trong một bữa tiệc tổ chức tại khách sạn St. Francis. Ngay sau đó, Rappe đột ngột phải nhập viện rồi qua đời với vùng bụng chấn thương nặng.
Dẫu chịu cáo buộc đã khống chế và cưỡng bức Rappe, nam diễn viên cuối cùng vẫn được tòa tha bổng.
“Đối đãi tử tế”
Một “biểu tượng” màn bạc Mỹ, Joan Collins, chia sẻ từng mất vai chính trong tác phẩm kinh điển Cleopatra, đơn giản vì từ chối quan hệ giường chiếu với giám đốc xưởng phim. Collins cho biết, sau 2 lần thử vai thành công, bà được người này gọi vào văn phòng riêng. Ông đưa ra đề nghị bóng gió: “Cô thật sự muốn vai diễn? Vậy tất cả mọi thứ cô cần làm là đối đãi tôi thật tử tế.”
Dễ thấy, lời nói suôn trên mang hàm ý khác. Bấy giờ còn khá nhút nhát, Collins kể bà đã khóc nứt, vội vàng bỏ ra ngoài. Vị trí nữ chính của Cleopatra sau cùng thuộc về “người đẹp mắt biếc” Elizabeth Taylor.
Thiên thần nước Mỹ
Sinh thời, Shirley Temple được không ít người ngưỡng mộ như một ngôi sao nhí tài năng tại Hollywood. Trong quyển tự truyện Child Star của mình, bà tiết lộ đã có lần bị gạ gẫm bởi một nhà sản xuất thuộc xưởng phim MGM, vào ngay lần đầu họ gặp mặt. Khi ấy Temple mới 12 tuổi.
Tỏ rõ phản ứng sợ sệt trước người đàn ông có hành vi “khoe thân” kỳ quặc, nữ diễn viên sau đấy bị gã này “tống khỏi phòng.”
Nạn nhân suốt nhiều năm
Danh ca Judy Garland, một đồng nghiệp của Shirley Temple ở hãng MGM, lại không may mắn thoát nạn như vậy. Tình tiết gây shock vừa được công khai về Garland cho thấy, liên tiếp từ năm 16 đến 20 tuổi, bà buộc phải làm nạn nhân của các trò quấy nhiễu - lạm dụng bởi hàng loạt nhân vật quan trọng trong công ty. Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến Louis B.Mayer, người bấy giờ đương chức giám đốc MGM. Nhà nghiên cứu và văn sĩ Gerald Clarke, tác giả tựa sách Get Happy: The Life of Judy Garland, mô tả: “Mayer thường đến nói với Garland rằng bà ấy là một ca sĩ tuyệt vời ra sao, rằng bà hát lên ‘từ trái tim,’ để sau đó ngang nhiên đặt tay lên ngực bà.”
Hình tượng “sụp đổ”
Từng là nghệ sĩ hài, nhạc sĩ và diễn viên tiếng tăm, Bill Cosby rơi vào giai đoạn thảm kịch lúc cuối đời bởi scandal tình dục. Andrea Constand, một cựu nhân viên tại đại học Temple (bang Pennsylvania) đệ đơn tố cáo ông đã chuốc thuốc mê và cưỡng bức cô tại nhà riêng năm 2004.
Với mức độ nghiêm trọng của sự việc, Cosby được dự đoán có thể chịu 10 năm tù giam. Thế nhưng rốt cuộc, nam danh hài vẫn trắng án với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD. Điều trớ trêu là, sau Constand, 13 người phụ nữ khác bắt đầu lên tiếng. Họ đều quy kết Cosby với tội danh gạ gẫm, tấn công theo phương thức giống hệt.
Ngôi sao Oscar
Năm 2010, hai nhân viên nữ làm việc trong dự án điện ảnh I’m Still Here do Casey Affleck đạo diễn, bất ngờ công khai tố giác nam tài tử. Một người cáo buộc Affleck tự ý xông lên giường trong khi cô này đang ngủ. Người kia cho biết ngôi sao Hollywood từng ép buộc cô lưu lại phòng riêng ở khách sạn, và đã lôi kéo “một cách thô bạo” khi cô cự tuyệt.
Vụ việc cuối cùng được dàn xếp riêng. Không ai đưa ra đơn kiện chính thức, nhưng kèm theo đó là một mức phí bồi thưởng được giữ kín. Affleck lúc ấy không ngừng từ chối những cáo buộc. Dẫu hình ảnh cá nhân bị “lung lay,” năm 2017, nam diễn viên 42 tuổi vẫn nhận về một tượng vàng Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhờ tác phẩm Manchester by the Sea.
Như Ý (theo APNews)