8X bỏ việc nhà nước ổn định đi trồng hồng ngoại doanh thu trăm triệu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:42, 27/10/2017
Bỏ việc, vay lãi để trồng hoa
Gần 8 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1989, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã tất bật phun nước vôi khử trùng mặt đất cho hơn 1.000 gốc hồng. Chị cho hay, khoảng nửa tháng nữa là hoa trong vườn sẽ vào dịp nở rộ.
Chỉ vào gốc Tree Rose nguyên bản có giá 50 triệu đồng, chị cho biếtđây là một trong những cây hồng ngoại đầu tiên được đưa về vườn này.
“Từ bé, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với hoa hồng”, bà chủ vườn quê ở Phú Thọ tâm sự. Lên đại học, chị sưu tầm các loại hồng về trồng trong các chậu cảnh nhỏ. Bán được chậu cây đầu tiên, chị nhận thấy nếu chịu khó đầu tư thì đây sẽ là giống hoa mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ.
Ý định gây dựng thành vườn được củng cố khi chị Tuyết được tặng một gốc hồng từ Anh quốc. Từ đó, ngoài các giống hồng trong nước, chị sưu tầm thêm các giống ngoại về chăm sóc. “Bán được một chậu cây, tôi lại dùng tiền đó để mua thêm giống mới. Cứ xoay vòng như vậy trong 2 năm”.
Năm 2011, chị tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ra trường với tấm bằng loại khá, chị làm việc tại một nhà máy thủy điện thuộc Tổngcông ty IntracomởLào Cai, phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp của thủy điện này. Sau đó chị về làm tại Công ty Kiến trúc Vườn Tina (Hà Nội) trong hơn 1 năm. Đến đầu năm 2013, chị quyết định bỏ công việc với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng để rẽ sang kinh doanh hoa hồng.
Quyết định của chị đã bị gia đình phản đối. “Bố mẹ muốn con gái có công việc nhà nước ổn định hơn là kinh doanh chưa biết lỗ lãi thế nào”, chị Tuyết ngậm ngùi kể.
Không được bố mẹ ủng hộ, chị âm thầm vay bạn bè 50 triệu đồng làm vốn. Toàn bộ số tiền đi vay cộng với 15 triệu tiền tiết kiệm, chị góp làm chung vườn hồng với một người quen. “Họ có đất, mình thì góp vốn”. Ngoài chục loại hồng nội, chị bắt đầu nhập thêm nhiều giống ở Anh, Pháp, Ấn Độ… đặc biệt là hồng ghép Thái Lan về trồng.
Sau 3 tháng, hàng trăm gốc hồng bén rễ và cho những bông hoa đầu tiên đã giúp chị trả số nợ ban đầu. Các loại hồng nhập Thái một năm khi đấy có giá từ 350.000-380.000 đồng/cây. Một năm sau, chị thuê 900m2 đất ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ để gây dựng vườn hồng riêng với số lượng hơn 1.000 gốc.
Nhận thấy việc kinh doanh của con gái có nhiều triển vọng, bố mẹ chị Tuyết đã dần chấp nhận và ủng hộ. Không lâu sau, chị mạnh dạn đầu tư hơn 5.000 gốc hồng trồng trên 2 ha đất của gia đình ở Phú Thọ.
Chị cho haynhững tháng mùa đông-xuân hoặc các dịp lễ tết thì doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/tháng.Khách mua hoa của chị đều được “bảo hành”, chẳng hạn hoa chết trong 1 tháng đầu được tặng lại cây mới, cây không chuẩn về hoa, màu sắc, dáng… đều được đổi.
Hiện tại, trừ chi phí 70 triệu đồng/năm tiền thuê đất vườn,chị có thể thoải mái trang trải cho sinh hoạt và đầu tư cho những dự định mới. “Tôi đang trồng một giống hồng ở Phú Thọ, có mùi thơm rất dễ chịu để làm nước hoa hồng, trà hoa hồng, bánh... Môi trường ở trên đấy sạch và mát, hyvọng sẽ cho ra đời những sản phẩm đảm bảo cho người tiêu dùng”, chị nói.
Theo chị, 80% các nhà có ban công, sân vườn hiện nay đều thích đặt hoặc trồng các loại hoa hồng. Hiện tại, chị vẫn chú trọng vào giống hồng ghép nhập Thái có giá cả phải chăng và được nhiều người yêu thích.
Dự định xuất bản sách về chăm sóc hoa
Xuất phát từ người không chuyên về trồng cây nênchị Tuyết“nhiều hôm thức trắng đêm để dịch các tài liệu” kỹthuật trồng,chăm sóc mới gây dựng được vườn hoa như hiện tại.
Có lần, chị sang Thái Lan mời chuyên gia về vườn hồng ở Phú Thọ để tư vấn về đất trồng và các cách phòng trừ sâu bệnh. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê thuận lợi hơn, chị thường chuyển cây ghép về đây chăm sóc rồi mới đưa xuống vườn ở Hà Nội.
Chuyến đi Thái Lan gần nhất của chị cách đây hơn nửa tháng. Ngoài việc nhập thêm hàng trăm cây giống, chị bật mí vừa học thêm được cách tạo dinh dưỡng cho đất trồng từ vỏ trấu và phân bón.
Bà chủ vườn thường tư vấn cụ thể cho người mua hoa về cách chăm sóc, tỉa cành, tạo vòm… sao cho phù hợp với từng giống. Chị cũng khuyến khích khách nên tìm hiểu về các loại hồng vì có những giống chỉ nở đẹp vào mùa lạnh hoặc ngược lại.
Chia sẻ về dự định “cầm bút”, chị cho hay: “Tôi muốn viết một cuốn sách, thực ra là tổng hợp những hiểu biết, kinh nghiệm của mình về hoa hồng ngoại để tặng cho khách hàng hoặc bất cứ ai có ý định gây dựng một vườn hồng”. Chị bày tỏ mong muốncác kiến thức cơ bản này sẽ giúp những ai đam mê hoa khởi nghiệpdễ dàng hơn so với những ngày đầu của chị.
Trịnh Giang