Bộ trưởng Bộ Công thương nói về vụ Khaisilk
Sự kiện - Ngày đăng : 15:28, 27/10/2017
>>Bộ Công Thương vào cuộc vụ Khaisilk bán khăn lụa 'made in China'
Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của ông về vụ việc của Khaisilk đang thu hút sự quan tâm của dư luận?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với các hoạt động của doanh nghiệp (DN), Chính phủ luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong việc phát triển thị trường, sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng các hoạt động đó phải đáp ứng, tuân thủ pháp luật, đặc biệt các nội dung liên quan đến luật bảo vệ lợi ích, quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc cơ bản mà các DN đều phải thực hiện. Những hoạt động của DN ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa DN, người tiêu dùng.
Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại củaKhaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức DN.
Tất nhiên, đạo đức DN là khái niệm có tínhphạm trù hơi không cụ thể, hoặc có thể thiếu những nền tảng cụ thể hơn, nhưng có những nền tảng rất cơ bản là sự tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Vì vậy, các cơ quan quản lý, chức năng của Cục quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và của Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ đối với các hoạt động vi phạm của DN.
Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có những báo cáo sớm, kiến nghị xửlý theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở đảm bảo hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta liên quan đến hoạt động DN, của người tiêu dùng, đạo đức.
Ngoài những điều chỉnh chế tài pháp luật thì ý thức về giá trị đạo đức, văn hóa của DN cũng rất quan trọng, các DN phải nhận thức, hiểu rõ điều đó là mang tính sống còn với hoạt động của DN.
Ông đánh giá vụ việc Khaisilk sẽ ảnh hưởng thế nào với thương hiệu của Quốc gia?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Tất nhiên thương hiệu Quốc gia có phạm trù tương đối rộng và trên nền tảng của các thương hiệu của các ngành kinh tế, DN, sản phẩm, thậm chí là địa phương. Giá trị thương hiệu QG cũng phải xây dựng dựa trên nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thị trường, người tiêu dùng mới quyết định được những sự phát triển của DN, các sản phẩm, ngành hàng cũng như của các giá trị thương hiệu.
Cho dù bất luận ở ngành nghề, lĩnh vực nào thì giá trị thương hiệu cũng đều quyết định bằng nhận thức, hiểu biết, sự quan tâm của thị trường, người tiêu dùng.
Thông qua sự việc của Khaisilk,chúng ta chưa kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt.
Nhưng chúng ta sơ bộ nhận thấy, như báo chí phản ánh,DN có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, trong đó có DN. Nhưng quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người VN chúng ta.
Theo Bộ trưởng, vai trò của cơ quan quản lý ở đâu khi tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Đúng đây là thực trạng chúng tôi không che giấu và đây là vấn đề đối với hệ thống của chúng ta chứ không chỉ một cơ quan quản lý nhà nướcnào cả.
Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nướcnhư quản lý thị trường cũng có trách nhiệm của mình, nhưng ở đây phải nói rộng ra để thấy, một thực trạng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là ý thức, hiểu biết pháp luật và cả luật pháp quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và cả vấn đề cụ thể hơn liên quan đến xuất xứ hàng hóa là còn rất yếu, thậm chí trong chừng mực hành vi tiêu dùng của chúng ta còn có tính cách nương nhẹ, không dựa trên nền tảng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế đó. Đây là yêu cầu đặt ra của Việt Nam trong quá trình hội nhập khi các cam kết hội nhập quốc tế, hàng loạt hiệp định thương mại tự do, điều ước quốc tế chúng ta tham gia đều hàm chứa điều này và đòi hỏi trước tiên những cải cách thể chế để đáp ứng điều đó.
Thứ hai là những biện pháp, giải pháp tăng cường nhận thức chung của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nướcvề điều này.
Đi vào cụ thể ở đây thì chúng ta thấy hiện tượng này cũng phổ biến ở một số lĩnh vực, phạm vi, ngành, vì vậy, thông qua vụ việc này, sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân của nó thì chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của Bộ Công thương trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò trong tham mưu chính sách của các cơ quan đó.
Làng lụa Vạn Phúc tới đây, với câuchuyện "hàng thật, hàng giả" có được nhắm đến và có đề nghị cơ quan quản lý kiểm soát?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Từ câu chuyện của sản phẩm hàng lụa này có nhiều vấn đề đặt ra. Từ đó dẫn đến khái niệm lớn hơn liên quan đến các làng nghề ở Việt Nam như Vạn Phúc về mặt hàng lụa.
Như tôi đã nói, có lẽ chúng ta kết luận điều gì cũng là sớm khi chúng ta chưa có nghiên cứu, xác định làm rõ tính chất, mức độ vi phạm pháp luật cũng như những hiện tượng, hoạt động chưa được đánh giá làm rõ.
Vì vậy, chúng tôi đang tập trung để từ việc này sẽ tiếp tục làm rõ ở phạm vi rộng lớn hơn không chỉ ở một làng nghề, địa phương mà còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế ngành, khuôn khổ cơ chế chính sách, pháp luật, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
Đây là dịp tốt để chúng ta cùng với các cơ quan chức năng, tương tác truyền thông để nhìn nhận thấu đáo hơn nhưng phải có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Cuối cùng phải thể hiện bằng những chính sách mới đảm bảo tính toàn diện, khả thi, đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo quản lý xã hội để phát triển kinh tế xã hội, hội nhập sâu rộng.
Vụ việc có được chuyển sang cơ quan điều tra không?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Chúng tôi đang tiếp tục làm, xác minh, làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nam Phong