‘FPT nên cẩn trọng khi thu học phí bằng Bitcoin’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:12, 27/10/2017
Ngày 26.10, chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng thông báo: “Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng Bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên nước ngoài".
Thông tin này đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn bởi vì đây là lần đầu tiên, một trường đại học của Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng một loại tiềnchưa được Chính phủ Việt Nam công nhận.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết: “Về việc FPT cho sinh viên trả tiền bằng Bitcoin là một vấn đề cần phải xem xét. Nếu FPT coi nó là ngoại tệ, chấp nhận thanh toán thì FPT đã vi phạm và các điều luật quản lý ngoại tệ vì đó không phải là đồng tiền Việt Nam”, ông Thịnh nói.
Vị này cho rằng Bitcoin thực sự không phải là tiền dù giá trị của Bitcoin trong thời gian qua tăng rất nhanh, tuy nhiên đồng tiền này cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Nếu trong trường hợp đồng tiền này sụp đổ thì sẽ ảnh hưởng đến FPT ít nhiều nếu chấp nhận cho học sinh thanh toán học phí.
“Có nhiều ý kiến cho rằng đồng tiền này không thể sụp đổ thì không chính xác. Thời gian qua nó có lên có xuống theo nhu cầu của mọi người chứ không có một cơ sở đảm bảo cho đồng tiền này. Cơ sở đảm bảo ít ra phải gắn với đồng tiền nào đó, quốc gia nào đó…”, ông Thịnh chia sẻ.
Vị này cũng nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩban lãnh đạo FPT cần cẩn trọng trong quyết định của mình. Nếu có tranh chấp pháp lý, mất mát thì không ai đứng ra bảo vệ cho vấn đề này được bởi Chính phủ vẫn chưa công nhận đó là một loại tiền tệ”.
“Tôi nghĩ rằng trong thực tế, các cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam đều không coi Bitcoin là đồng tiền trong giao dịch và thanh toán, dù chúng ta cũng đang nghiên cứu hành lang pháp lý cho vấn đề này”, chuyên gia này nói.
Trao đổi lại với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đai học FPT cho biết, việc dùng Bitcoin để đóng học phí không áp dụng cho toàn bộ sinh viên FPT mà chỉ dành cho sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên châu Phi bởi nhà nước họ quản lýrất chặt chẽ về khoản ngoại tệ. Số lượng sinh viên ngoại quốc ở FPT cũng không quá nhiều. Dư luận đang hiểu nhầm rằng tất cả sinh viên FPT đều đóng học phí qua Bitcoin.
“FPT chấp nhận dùng Bitcoin thực ra chỉ là một kênh để sinh viên nước ngoài thanh toán học phí cho trường chứ không phải trường niêm yết học phí bằng Bitcoin. Theo đó, gia đình các sinh viên có thể mua Bitcoin và chuyển thành tiền để con đóng tiền học chứ không phải sử dụng nó như một loại tiền tệ để đóng như tiền Việt hay USD”, ông Tùng nói và cho biết, Bitcoin trong trường hợp này chỉ dành để đóng học phí, chứ không phải đầu tư.
Ông Tùng cho biết thêm, hiện nay, có rất nhiều nước, nhiều trường đã sử dụng Bitcoin như một công cụ để thanh toán học phí. Theo đó, trước mắt, một là sinh viên tự bán Bitcoin để chuyển tiền mặt cho trường hoặc sinh viên hiến tặng cho trường để đổi học bổng tương ứng để trường có Bitcoin. Điều này cũng để phục vụ cho công tác nghiên cứu của trường, vì bản thân FPT cũng có nhu cầu sử dụng Bitcoin để phục vụ cho công tác nghiên cứu vì trường có đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng.
Liên quan đến những lo ngại về rủi ro khi sử dụng tiền này, ông Tùng cho rằng rủi ro tỉ giá của tiền Bitcoin sẽ tương tự ngoại tệ, khi lên khi xuống. Hiện nay không có hành lang pháp lý, Bitcoin như 1 dạng tài sản và không thể đảm bảo an toàn 100%.
Xây dựng khung pháp lý cho tiền "ảo"
Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiềnnày có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Hiện tại giá của Bitcoin đã xấp xỉ gần 6.000 USD, đạt mức tăng trưởng hơn 500% chỉ trong năm 2017.
Bitcoin xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán và ai cũng có thể sở hữu thông qua việc giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là "đào".
Khái niệm "đào" trên thực tế là việc Bitcoin được cấp tới các máy tính để trả công cho việc chúng tham gia vào hoạt động xác minh giao dịch và ghi chúng vào một cuốn sổ cái (blockchain).
Cuốn sổ này được phân tán trong mạng ngang hàng và sử dụng Bitcoin là đơn vị kế toán. Bitcoin cũng không phải là một đơn vị cụ thể, nó có thể được chia nhỏ hơn nữa tới 100 triệu đơn vị nhỏ hơn gọi là Satoshi, được đặt tên theo người sáng lập.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn chưa công nhận Bitcoin. Ở Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Như vậy, với Đề án này, các hình thức tiềnnhư Bitcoin sẽ được Việt Nam xem xét để đưa ra các hình thức quản lý phù hợp.