Bộ Công Thương khôi phục thị trường phát điện cạnh tranh
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:41, 27/10/2017
Bộ Công Thương ngày 27.10 đã tổ chức họp rà soát về tình hình vận hành hệ thống điện trong tháng 10.2017 và kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường phát điện cạnh tranh tháng 11 và 12.2017.
Trong tháng 10, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 17,038 tỉ kWh, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 164,942 tỉ kWh, cao hơn 8,13% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong tháng 10, các hồ chứa thủy điện khu vực miền Bắc và miền Nam nhìn chung đều có lưu lượng nước về cao hơn so với trung bình nhiều năm; trong đó nhiều hồ thủy điện phải thực hiện xả tràn để đảm bảo an toàn công trình hoặc xả đáy để đảm bảo mực nước giới hạn theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa, cụ thể, trong 25 ngày đầu tháng 10 đã có 51/88 nhà máy thủy điện phải thực hiện xả nước.
Việc tạm dừng thị trường điện trong tháng 10 đã giúp xử lý các vấn đề vướng mắc, khó khăn của hệ thống điện cả về phía cầu (tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn dự kiến) và phía cung (diễn biến thủyvăn bất thường, lưu lượng nước về quá cao gây ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, phải thường xuyên can thiệp vào quá trình vận hành các nhà máy thuỷ điện).
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đã rà soát, đánh giá về kế hoạch vận hành hệ thống điện trong các tháng 11 và 12.2017; xem xét khả năng khôi phục vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong giai đoạn này. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện trong tháng 11 và 12 tương ứng sẽ đạt mức khoảng 11,2% và 11,76% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các quy trình điều tiết hồ chứa, giai đoạn tháng 11 và 12 hàng năm là giai đoạn tích nước cho mùa khô năm sau, lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện trong các tháng 11 và 12 dự kiến sẽ thấp hơn thời gian vừa qua, diễn biến thủy văn dự kiến sẽ ít biến động, ít có khả năng phải can thiệp vào quá trình vận hành các nhà máy thủy điện như tháng 10.2017.
Do đó, căn cứ tình hình phụ tải và thủyvăn như trên, EVN đã xây dựng phương thức vận hành hệ thống điện trong tháng 11 và 12.2017, nhằm đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong các tháng cuối năm.
"Dựa trêncác điều kiện, Bộ Công Thương đã xem xét và quyết định khôi phục vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1.11", Bộ Công Thương cho biết.
Tháng 7.2012, thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu được thí điểm thực hiện. 76 nhà máy tham gia thị trường với tổng công suất 20.728 MW, đạt tỷ lệ 49% toàn hệ thống. Số lượng các nhà máy tham gia giao dịch đã tăng 2,45 lần so với khi mới vận hành.
Theo quy định, tại thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy phát điện sẽ chào giá và được huy động theo giá chào, giá thấp sẽ được ưu tiên huy động nhiều.
Trong một báo cáo hồi tháng 7.2017, Bộ Công Thương cho rằngthị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực sau 5 năm triển khai, Bộ Công Thương cũng nêu hạn chế của thị trường này như hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống SCADA/EMS vẫn còn những tồn tại nhất định, ảnh hưởng đến công tác dự báo, lập kế hoạch, điều độ, giám sát thị trường điện.
Vào ngày 26.9 vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh. Trước sự việc này, một số chuyên gia cho rằng việc bỏ thị trường phát điện cạnh tranh để "giải cứu" các nhà máy điện khí chắc chắn sẽ tác động nhất định đến giá điện mua vào của EVN. Do mặt bằng giá khí cao hơn giá bán của nhà máy nhiệt, thủyđiện, áp lực lên giá bán lẻ khi đó khó tránh khỏi.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nhận xét, việc tạm dừng vận hành thị trường phát điện để các nhà máy khí tham gia với mức giá cao là thể hiện cho một thị trường chưa có cạnh tranh thực sự.
Tuyết Nhung