Chính phủ Tây Ban Nha kiểm soát Catalan, để ngỏ cửa cho ông Puigdemont
Quốc tế - Ngày đăng : 10:55, 29/10/2017
Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố đã chính thức kiểm soát chính quyền vùng Catalan vào hôm 28.10. Thủ tướng Mariano Rajoy tiếp nhận mọi công việc điều hành từ tay lãnh đạo Catalan Puigdemont. Tuy nhiên, ông Rajoy đã ủy nhiệm công việc này cho Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria. Các bộ ngành chính phủ Tây Ban Nha cũng đã tiếp nhận việc điều hành các cơ quan hành pháp khác ở Catalan.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Rajoy quyết định giải tán nghị viện Catalan, cách chức Thủ hiến Puigdemont và sa thải tất cả quan chức trong chính quyền tự trị. Đây là phản ứng cứng rắn của Madrid sau khi cơ quan lập pháp Catalan đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha
Theo tinh thần của điều 155 hiến pháp, chính quyền ra lệnh tiến hành bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21.12 tới. Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cho rằng ông Puigdemont nên chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới nếu muốn tiếp tục theo đuổi con đường chính trị và nói rằng đó là con đường "phản đối một cách dân chủ" mà ông Puigdemont luôn kêu gọi.
Sau khi bị chính quyền trung ương sa thải, ông Puigdemont đã lên tiếng phản kháng lệnh của trung ương, đồng thời kêu gọi người dân phản đối một cách hòa bình đối với việc chính quyền Tây Ban Nha trực tiếp kiểm soát Catalan.
Ông Puigdemont cũng nêu ra cụm từ "phản đối một cách dân chủ" khi nhấn mạnh: "Để bảo vệ các thành quả đã đạt được cho tới nay thì tốt nhấtlà phản đối một cách dân chủ Điều 155 (Hiến pháp)".
Cũng hôm 28.10, người phát ngôn của Cơ quan công tố Tây Ban Nha cho biết trong tuần tới sẽ khởi tố ông Puigdemont với tội danh nổi loạn. Theo luật pháp Tây Ban Nha tội danh nổi loạn có thể bị phạt tù tới 30 năm. Trước đó, tòa án Madrid đã ra lệnh bắt Jordi Sanchez và Jordi Cuixart, hai nhân vật bị buộc tội kích động bạo loạn ở Catalan.
Như vậy, việc chính phủ nói ông Puigdemont có thể tham gia cuộc bầu cử trong lúc cơ quan công tố đòi khởi tố có mâu thuẫn không? Về vấn đề này, phát ngôn viên của chính phủ Tây Ban Nha tái khẳng định hệ thống tư pháp và chính trị ở Tây Ban Nha là tách biệt và rằng "không ai đứng trên luật pháp".
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Catalan Josep Lluis Trapero cũng nằm trong danh sách quan chức Catalan bị sa thải. Tuy nhiên, hôm 28.10, ông Traperro cho biết vẫn sẽ làm việc bình thường để bảo đảm an toàn cho người dân.
Điều đáng buồn cho Catalan là cho đến lúc này, họ đang chịu sự cô lập lớn ở châu Âu khi cả EU, các nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ đều cam kết ủng hộ Madrid.
A.T