‘Ô nhiễm tư duy’ đã len lỏi vào cán bộ công chức
Sự kiện - Ngày đăng : 11:58, 30/10/2017
>>“Cải cách hành chính thì cán bộ phải thực sự là công bộc”
>>Tổng Bí thư: ‘Làm nghiêm việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cán bộ yếu kém’
>>Năm 2018 chỉ mua ô tô cho cấp bộ trưởng trở lên
Sáng nay 30.10, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 8. Mở đầu buổi làm việc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tùy tiện đề bạt, thành lập thêm các vụ, cục để “phong hàm”
Theo báo cáo, đầu năm 2017, khi các đoàn kiểm tra Trung ương tiến hành thanh tra đã phát hiện ra hàng loạt các tỉnh có số cấp phó từ vị trí nhỏ lớn đều dư thừa.
Điều đáng nói là hầu như tỉnh nào được kiểm tra cũng xảy ra tình trạng này. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu. Thống kê 18 nghị định ban hành trong năm 2016, 2017 cho thấy, ngoài Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức phòng trong vụ, vẫn có 16 Bộ, cơ quan duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng.
Báo cáo thẳng thắn nêu ví dụ về tình trạng tràn lan vụ, cục như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có từ 5 đến 7 phòng/vụ.
Qua giám sát cũng cho thấy, “tình trạng TƯ có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến. Cụ thể có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ ngành.
Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình 1 cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý”, báo cáo của Đoàn giám sát của QH cho hay.
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường QH sáng nay, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đánh giá, trong khi hướng tới việc tinh giản biên chế thì hệ thống văn bản còn nhiều sơ hở, một số văn bản làm phát sinh biên chế. Bên cạnh đó có tình trạng tùy tiện trong tổ chức, đề bạt, thành lập thêm các vụ, cục để “phong hàm”.
Đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ bức xúc: “Quy định của Bộ không vượt 4 thứ trưởng nhưng có bộ có tới 9 người. Việc làm này khiến trung ương làm đượcthì tỉnh làm được, tỉnh làm được thì xã làm được, Bộ làm được thì vụ, cục cũng làm được…”.
Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, cấp phó tăng nhanh trong cơ quan đảng và đoàn thể. Thực tế có tình trạng một số phòng ban chỉ có lãnh đạo, không có nhân viên nhưng trong thời gian dài không bị xử lý.
Có bao nhiêu người không có năng lực, đạo đức công vụ để tinh giản?
Để giải quyết tình trạng bộ máy cồng kềnh, nhiều đại biểu đề xuất cần giảm biên chế, giải thể hoặc hợp nhất các đơn vị hoạt động kém hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, liên thông một cửa. Tinh giản biên chế cần gắn với từng loại hành chính, bám sát với quy mô dân số, đặc điểm của địa phương.
Đại biểu Tô Văn Tám (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) tham gia thảo luận tại QH đã đưa ra tình trạng văn hoá công vụ không trọn vẹn của cán bộ công chức. Ông nói: “Văn hóa pháp lý của 1 bộ phận cán bộ công chức không trọn vẹn và đầy đủ. Họ có thể nắm được pháp luật nhưng không thực thi đúng. Đề nghị cần phải bồi dưỡng xây dựng văn hóa công vụ cho các cán bộ công chức”.
Cũng theo đại biểu Tô Văn Tám, việc tinh giản biên chế chưa được thực hiện có hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng biên chế công chức viên chức Nhà nước vượt hơn 1 ngàn người. Số người hưởng lương trong hệ thống chính trị là hơn 3 triệu người. “Vấn đề trong số đó có bao nhiêu người không có năng lực, đạo đức công vụ để tinh giản, câu hỏi này chưa có lời đáp. Tinh giản hiện nay chủ yếu ở những ngườisắp về hưu”, đại biểu Tám nói.
Việc cỏn con, người đứng đầu của Chính phủ phải giải quyết
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) thẳng thắn cho rằng, việc cải cách hành chính chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Đại biểu Nhân nói: “Từ sau vụ quán café Xin chào, tôi nghĩ đã khép lại những hành vi trì trệ, vô cảm của đội ngũ cán bộ. Chỉ một vụ việc cỏn con mà đích thân người đứng đầu của Chính phủ phải ra tay giải quyết. Nay vụ việc cống nước ở Quán Thánh cũng kéo cả bộ máy chính quyền từ Trung ương và địa phương vào cuộc, như gáo nước gạt thẳng vào những người có trách nhiệm đang cốgắng xây dựng nền hành chính hiện đại”.
Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh: “Vụ việc cống nước ô nhiễm ở Quán Thánh không đáng sợ bằng ô nhiễm tư duy đã len lỏi vào một số cán bộ công chức hiện nay”.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, đểcải cách hành chính hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là nhận thức, tư duy của cán bộ công chức viên chức. “Cải cách tổ chức hành chính nhà nước dễ mà hóa ra khó. Cái khó ở đây là do lợi ích cục bộ và nhóm còn quá lớn, lấn át cả nhận thức và tư duy”. Theo đó, cần phải có “bàn tay sắc” để xử lý tình trạng này, tăng tinh chế bộ máy, chống tình trạng tham nhũng…
Nam Phong