'Bùng nổ' tranh chấp tại các chung cư ở TP.HCM
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 01/11/2017
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 935 nhà chung cư với 1.249 block chung cư, 141.062 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 10.645.970 m2, diện tích bình quân căn hộ 75 m2/căn. Tỷlệ căn hộ nhà chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và đang có xu hướng chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ nhà chung cư chiếm tỷ lệ 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới.
Nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM phân bổ khá đồng đều ở 2 khu vực nội thành hiện hữu và nội thành phát triển,tập trung chủ yếu tại quận 1, 5, 10 và Bình Thạnh. Trong những năm gần đây, nhà chung cư còn phát triển ở quận 2, quận 7 và quận Thủ Đức. Riêng khu vực huyện ngoại thành, nhà chung cư cũng phát triển ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Liên quan đến tình hình quản lý nhà chung cư, ông Tuấn nói rằng thời gian qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã nhận được 105 trường hợp liên quan đến những tranh chấp nhà chung cư từ khắp các quận huyện, kể cả chung cư cũ lẫn chung cư mới.
Sở này đã trực tiếp kiểm tra, giải quyết hoặc phối hợp với UBND các quận huyện đã giải quyết tranh chấp tại 96 chung cư. Hiện tại, Sở Xây dựng TP.HCMtrực tiếp giải quyết 9 nhà chung cư có mâu thuẫn, tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Qua kiểm tra và xử lý các vấn đề liên quan, ông Tuấn cho biết tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; việc đóng góp và mâu thuẫn giữa cư dân với ban quản trị chung cư. Đối với các chung cư thấp tầng, số lượng căn hộ ít, không có thang máy, không thành lập ban quản trị, chỉ hoạt động theo mô hình tự quản, nên không có đơn vị vận hành.
Từ đó, không có kinh phí quản lý vận hành các trang thiết bị trong nhà chung cư; không có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không đảm bảo về an ninh trật tự; không đảm bảo về an toàn điện; an toàn phòng cháy chữa cháy; vệ sinh môi trường…
Riêng các chung cư mới, đa số là chung cư cao tầng, số lượng căn hộ nhiều và có thang máy, nên việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiệntheo thỏathuậngiữachủ đầu tưvớibanquảnlýnhà chung cư.
Tuy nhiên, một số trường hợp áp dụng mức kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định; sử dụng quỹ kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư không đúng mục đích; không công khai thu chi tài chính.
Ngoài ra, tranh chấp xảy ra còn do ban quản trị lạm dụng quyền hạn, chi sai nguyên tắc, chi tiêu vượt hạn mức quy định, ban quản trị tùy tiện nâng phí dịch vụ hoặc mâu thuẫn trong chính nội bộ ban quản trị.
Liên quan tới vấn đề tranh chấp chung cư, mới đây, tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng cần giải quyết thỏa đáng để người dân yên tâm.
Theo bà Tâm, qua những lần tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND TP.HCM đã nghe nhiều ý kiến phản ảnh của người dân ở chung cư về những bức xúc liên quan đến tình hình mất an ninh trật tự, vấn đề điện nước, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là vấn đề tranh chấp trong các chung cư.
Do đó, bà Tâm đề nghị các sở ngành tìm ra được những nguyên nhân của mâu thuẫn trong chung cư và đưa ra các giải pháp giải quyết. Đồng thời, yêu cầu các sở ngành chỉ ra trách nhiệm của mình trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở nhà chung cư. Đặc biệt, Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu đến năm 2018, tất cả chung cư trên địa bàn thành phố phải thành lập ban quản trị chung cư.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng cần phải có giải pháp tối ưu để giải quyết những bất cập hiện nay, bởi nhà chung cư là tài sản của người dân. Do đó, ông Tuyến cam kết chậm nhất đến ngày 30.12.2017, UBND TP.HCM sẽ báo cáo với HĐND TP.HCM danh mục toàn bộ 935 chung cư trên địa bàn thành phố về tình trạng pháp lý, những tồn tại và vướng mắc của từng chung cư một cũng như trách nhiệm cụ thể từng nơi.
Vi phạm về xây dựng tăng cao
UBND TP.HCM cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra 9.045 lượt công trình xây dựng trên địa bàn. Qua đó, thành phố phát hiện 393 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng (chiếm tỷ lệ 4,4% tổng số lượt kiểm tra, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xây dựng không phép là 124/393 trường hợp (tăng 8,8% so với cùng kỳ); công trình sai phép có 170/393 trường hợp(tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016).