Khởi tố dân Đồng Tâm vi phạm nhưng công an đánh dân vẫn ngoài pháp luật?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:02, 02/11/2017
Thượng tôn pháp luật không phải bắt bớ
Đại biểu này nêu quan điểm, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được đánh giá, nhưng nếu có thêm một chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Đề cập đến vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, Hà Nội thời gian qua, ông Quốc cho rằng cần nhìn nhận đây là một vụ khủng hoảng về lòng tin chứ không thuần túychỉ là vụ án hình sự.
“Với những gì diễn ra ở đó, có một yếu tố mà tôi thấy Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm, đó là những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, để tích tụ lại, trở thành hiện tượng "tức nước vỡ bờ", ông Quốc nói.
Theo vị này, cho đến thời điểm này, TP. Hà Nội cũng như Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao trong việc giải quyết vụ việc Đồng Tâm. Nhưng đã 2 tháng rưỡi nay, người dân Đồng Tâm có kiến nghị xem xét lại kết luận của thanh tra Hà Nội mà vẫn chưa được một cơ quan nào trả lời.
“Ngay tại cuối kỳ họp trước của Quốc hội, tôi đã viết thư gửi tới 7 lãnh đạo cao nhất của Trung ương và Hà Nội. Trong bức thư đó, tôi có nêu một vấn đề cử tri nhờ tôi đặt ra: Tại sao một lực lượng tinh nhuệ nhất, được trang bị tốt nhất lại bị bắt và giữ? Câu trả lời duy nhất: Đó là vì họ vẫn giữ được phẩm chất của người công an nhân dân. Họ không coi dân là kẻ thù. Họ chấp nhận giải pháp như vậy”, đại biểu cho hay.
“Tôi đã chứng kiến cảnh người dân và những người chiến sĩcông an bị giữ chia tay nhau. Không biết đến bây giờ TP Hà Nội đã trả tiền cơm cho dân chưa, vì họ bỏ tiền túi ra nuôi dưỡng anh em và chăm sóc như con cháu trong nhà”, ông Quốc chia sẻ.
Cùng với đó, vị này cho rằng bản thân tán thành phải thượng tôn pháp luật. “Tuy nhiên, chúng ta đã khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật”.
“Điều đó đã gây bức xúc cho người dân. Gần đây, công an Hà Nội đã kêu gọi những người bắt và giữ lực lượng công an ra đầu thú. Tôi cho rằng chúng ta dùng từ đầu thú với người dân mới đây là không ổn, là làm mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân, vì ai cũng hình dung được rằng để bắt giữ được đội ngũ ấy không chỉ số ít bị kích động mà hàng trăm, hàng nghìn người. Cho nên, phải lắng nghe dân để gạn lọc thông tin. Thượng tôn pháp luật không phải bắt bớ mà củng cố lòng tin. Đồng Tâm không chỉ là bài học tiêu cực mà làm sao để không lặp lại", ông Quốc nói.
Vị này cho rằng phải rút ra bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải là bài học tiêu cực, mà góp phần làm cho nó không lặp lại. Các cơ quan có trách nhiệm trả lời cho người dân khi họ còn chưa thông với kết quả thanh tra của TP.Hà Nội.
Ông Quốc cũng cho biết, những người viết sử khi đề cập đến thời thịnh trị, họ chỉ cần viết rằng: "Thời đó cửa không cần then, cổng không cần khóa". Vậy hiện nay, hiện tượng nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống, sẵn sàng đưa độc hại cho đồng bào của mình trở thành phổ biến thì cực kỳ nguy hại. Suy thoái kinh tế còn dễ vực dậy, cókhi chỉ cần nửa nhiệm kỳ, nhưng suy thoái đạo đức thì rất nguy hiểm.
“Tôi cũng muốn nói đến việc thảo luận của chúng ta. Dường như chưa ai quan tâm đến câu chuyện để giải đáp cho dân, thông tin liên quan đến bản án của một cựu đại biểu là vào Quốc hội có "chạy" không? Tôi nghĩ Quốc hội cần giải đáp rõ cho cho dân về việc này, để củng cố lòng tin của người dân vào bộ máy nhà nước.
Kỷ luật hành chính chưa nghiêm
Theo đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ sự băn khoăn trước sức ỳ của nền hành chính và cho rằng đây là kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.
“Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp lại không không xử lý mà phải đợi yêu cầu từ trên xuống. Tại sao nhiều vụ việc phải đẩy lên Thủ tướng mới chuyển biến được”, đại biểu nói.
Vị này cho rằng, nếu như các cơ quan làm đúng chức năng, thẩm quyền của mình thì những vụ việc đó chắc chắn được xử lý. Nếu cơ quan chức năng phát huy đầy đủ chức năng của mình thì sự việc không phải lên đến bàn Thủ tướng và Thủ tướng không phải chỉ đạo như vụ việc quán cà phê Xin Chào.
Theo đó,đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan. Từ đó chấm dứt tình trạng trên nóng - dưới lạnh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay cho cấp dưới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình.
“Làm sao trên nóng - dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng. Đến đây tôi xin vận dụng câu nói của đồng chí Tổng Bí thư: Phải làm sao cho bếp lò cải cách hành chính của chúng ta cho dù củi tươi đưa vào cũng phải cháy”, đại biểu Ngô Thành Trung - đoàn Đắk Lắk nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng kỷ luật hành chính chưa nghiêm thể hiện ở nhiều lĩnh vực, từ công tác cán bộ, tài chính, ngân sách đến tài nguyên, môi trường... và diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành.
Theo ông, đây là “nguyên nhân của nguyên nhân” làm nền hành chính trì trệ và kém hiệu quả. Muốn có một nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì Chính phủ phải giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong bộ máy Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ.
Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ có nhiều nghị quyết, văn bản về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Đánh giá một cách thẳng thắn thì nhiều cán bộ trong bộ máy Nhà nước chưa thực sự thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đi lại, ăn uống, chi tiêu công, quản lý tài sản công, tổ chức lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành....
Theo đại biểu, điều này đã khiến người dân bức xúc, thậm chí là bất bình, nhất là trong điều kiện đời sống của người dân ở nhiều vùng bị hạn hán, lũ lụt đang thiếu thốn đủ bề. Cần có chế tài nghiêm khắc trong vấn đề này
Hoài Phong