Thổ dân Úc cấm leo núi Đá Thiêng Uluru
Du lịch - Ngày đăng : 06:55, 02/11/2017
Việc cấm leo núi Đá Thiêng Urulu-một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Úc-từ thời hạn nói trên, đúng 34 năm sau khi chính phủ Úc chính thức trao quyền sở hữu ngọn núi này cho những người “chủ truyền thống”, một cách gọi để chỉ thổ dân Anangu, từ ngày 26.10.1985. Điều kiện để trao trả quyền sở hữu là thổ dân Anangu phải cho Công viên quốc gia Urulu-Kata Tjuta thuê lại trong 99 năm.
Thổ dân "không thích bị dí súng vào đầu đe dọa"
Ngày1.11, sau cuộc họp của Hội đồng quản trị Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta, cuộc bỏ phiếu lịch sử nhất trí thông qua chuyện cấm chinh phục núi Đá Thiêng Urulu.
Họ đề nghị du khách hiểu qui định mới làthể theo yêu cầu lâu nay của thổ dân Anangu: họ cảm thấy “như bị ai đó dí súng vào đầu đe dọa” nếu tiếp tục cho phép du khách leo ngọn núi ở miền Trung Úc.
Thổ dân Anangu cảm thấy có trách nhiệm, khi có quá nhiều vụ người leo núi bị té khiến bị thương, hoặc bị chết vì khát nước, khi Urulu nằm trong vùng sa mạc mênh mông với nhiệt độ 40 độ C.
Từ những năm 1950 đã có ít nhất 36 vụ tai nạn có hậu quả phũ phàng, và từ năm 2002 đến 2009 có 74 vụ cấp cứu cần chăm sóc y tế.
Chủ tịch hội đồng, thổ dân Sammy Wilson mô tả sức ép mà ông cùng đồng bảo phải chịu về hoạt động giải trí này: “Suốt nhiều năm, cộng đồng Anangu cảm thấy bị đe dọa, cứ như ai đó cầm súng chĩa vào đầu chúng tôi, buộc chúng tôi phải mở cửa. Làm ơn đừng bắt chúng tôi để đòi hỏi. Quyết định này để người Anangu và không phải người Anangu cùng tự hào nhận thức điều đúng đắn nên làm là đóng cửa nơinày.
Theo quan niệm của thổ dân Anangu, núi Urulu là nơi thánh thiêng của cánh đàn ông, và đãcó những phàn nàn du khách leo lên đỉnh núi thiêng đã tiểu tiện, làm ô nhiễm nguồn nước dưới chân núi, và làm ô nhiễm nền văn hóa của thổ dân.
Ông Wilson nói: “Người da trắng xem vùng đất này có giá trị kinh tế, trong khi người Anangu xem núi Đá Thiêng theo khía cạnh luật văn hóa tjukurpa của chúng tôi. Chúng tôi muốn bảo vệ văn hóa của chúng tôi, vì nếu không gìn giữ, nét văn hóa này sẽ hoàn toàn mất hẳn trong 50-100 năm nữa”.
Vị chủ tịch còn nhấn mạnh: “Vài người trong ngành du lịch và chính phủ có thể nói chúng tôi cần để mở, nhưng luật lệ của họ không liên quan vùng đất này. Đây là một vùng quan trọng, không phải bãi chơi hoặc công viên chuyên đề như Disneyland. Chúng tôi chào đón du khách đến tham quan, không ngăn chặn họ, chỉ muốn họ ngưng leo núi”.
Rặng đá khổng lồ "Ngũ sắc độc thạch sơn"
Núi Đá Thiêng Urulu là một trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Úc. Nhìn từ xa, bề ngoài của núi tròn và bóng nhẵn, nguyên khối.
Rặng đá kỳ lạ này cao 348m, ở độ cao 863m so với mực nước biển, dài 3km, chu vi chân núi khoảng 8,5km, và cách Alice Spring (thành phố lớn gần nhất) khoảng 450km đường bộ. Nó còn có tên khác là Đá Ayers, do nhà địa chất William Goose đặt theo tên Toàn quyền Nam Úc Henry Ayers vào năm 1873.
Nét kỳ thú của núi Đá Thiêng Urulu là sự đổi màu trên vách núi từ sáng sớm đến chiều tối. Lúc rạng đông mặt trời vừa mọc thì toàn bộ khối đá màu đỏ nhạt, đến giữa trưa là màu đỏ cam phản chiếu ánh mặt trời, khi về chiều, rặng đá chuyển màu đỏ thẫm hoặc chuyển màu tím sẫm, và đêm xuống là màu vàng nâu hòa với cảnh vật xung quanh.
Đó là lý do khiến rặng núi Urulu được gọi là "ngũ sắc độc thạch sơn", tức núi đá 5 màu độc đáo.Nếu mưa to hoặc mưa vừa tạnh, hòn đá khổng lồ hiện màu tro bạc pha lẫn chút đen. Nguyên nhân đổi màu do đặc tính của núi Đá Thiêng Urulu, một khối đá ráp thạch anh, chất đá cứng rắn, kết cấu chặt chẽ.
Kế hoạch quản lý công viên quốc gia Urulu từ năm 2010-2020 đã tính chuyện cấm leo núi Đá Thiêng, nếu một trong 3 điều kiện được đáp ứng, gồm điều kiện nếu tỉ lệ du khách leo núi giảm dưới mức 20%.
Năm 2010, tỉ lệ du khách leo núi giảm 38%, qua năm 2015 giảm 16,5% nhưng các cuộc họp hội đồng quản trị không đạt được sự đồng thuận đóng cửa hoạt động leo núi.
Một thăm dò năm 2016 cho biết 72% du khách hiểu thông điệp “Vui lòng đừng leo núi” trước khi họ đến Công viên quốc gia Urulu, và 91% hứa sẽ không leo núi.
Trung Trực (theo Guardian)