Bộ trưởng Y tế: Làm sao chi cho dân nhiều hơn mà không vỡ quỹ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:16, 01/11/2017
BHYT dư 47.000 tỉ đồng
Nói tại Quốc hội chiều nay về quỹ BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 82%, vượt chỉ tiêu đề ra. Giá dịch vụ tăng nhưng người dân giảm được chi phí tiền túi do BHYT chi trả nhiều hơn. Khi đưa cơ cấu tiền lương vào giá thì cũng giúp nhà nước giảm bớt chi phí tiền lương.
Bộ trưởng cũng cho hay, vừa qua bội chi BHYT tăng, có tỉnh tăng hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bội chi là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 3.2016, giúp đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó là do áp dụng chính sách thông tuyến huyện, người bệnh có cơ hội tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh thuận tiện hơn.
Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng kỹ thuật mới được ứng dụng, chuyển giao từ tuyến trên xuống tận tuyến huyện, người dân dễ dàng tiếp cận hơn mà không phải đi xa, do đó chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao.
Theo bà Kim Tiến, hiện quỹ BHYT còn kết dư 47.000 tỉ đồng. “Kết dư lớn là tốt hay không tốt? Không tốt vì tiền đó người dân đóng, lẽ ra họ phải được hưởng tối đa các dịch vụ nhưng dân chưa được hưởng nhiều, cho thấy nền y tế chưa công bằng.
Nhưng trong cái không tốt cũng có cái may. Đến năm 2017 khi điều chỉnh giá dịch vụ, thì chi phí cao lên, dự kiến chi bảo hiểm trong năm phải vượt quá khoảng 10.000 tỉ thì có số kết dư này. Nếu như vậy thì chúng ta có thể dùng quỹ kết dư đến hết năm 2019. Như vậy nguy cơ vỡ quỹ là có nhưng chưa vỡ ngay".
Về giải pháp để bảo đảm ổn định quỹ BHYT, Bộ trưởng cho rằng cần kiểm soát để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kỹ thuật y tế, ngăn chặn trục lợi y tế. Ngành y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm việc trục lợi y tế.
“Vấn đề của ngành y tế là làm sao để chi chăm sóc y tế cho người dân tốt hơn mà vẫn không bị vỡ quỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Giải trình về vấn đề dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, bà Kim Tiến thừa nhận dịch sốt xuất huyết tăng 46% so với năm trước, số lượng tử vong nhiều hơn so với năm 2016. “Chúng tôi thấy có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong vấn đề này", Bộ trưởng nói và cho biết các nước trong khu vực cũng có sự tăng đột biến về số ca mắc sốt xuất huyết.
Cũng theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều. Thứ hai là vấn đề môi trường, vệ sinh tại các khu dân cư; có nguyên nhân từ di cư, nơi ở của công nhân xây dựng; ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh chưa cao... Tuy nhiên, đến nay thì dịch đã giảm hẳn.
Năm 2017xuất khẩu nông sản đạt 35 tỉ USD?
Về vấn đề nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ thoả mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước với 30 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2016; dự kiến năm 2017 là 35 tỉ USD.
Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, Bộ trưởng cho rằng thủy sản là lựa chọn hàng đầu. “Chúng ta lựa chọn tôm và cá tra là hai loạiđiển hình. Riêng tôm, thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn 1kg tôm/năm thì nhu cầu của thế giới là 7 triệu tấn tôm/năm. Trong khi hiện nay mới có 5 triệu tấn cung ứng ra thị trường nên còn một khoảng cách rất lớn so với nhu cầu”.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần xây dựng sản phẩm quốc gia với 10 sản phẩm hiện có giá trị xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên như cá tra, tôm; sản phẩm cấp tỉnh như xoài Cao Lãnh, rau, hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên…; sản phẩm đặc sản của vùng như Bắc Giang có tới 3 sản phẩm là vải thiều, gà đồi Yên Thế, na của Lục Nam… Riêng một tỉnh lựa chọn đúng ngành hàng mang tính chất quy mô của tỉnh đã có giá trị 6.000-7.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Cường cũng bày tỏ, dù mới chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp nhưng sự vào cuộc rất quyết liệt, tất cả các ngành hàng lớn đều có doanh nghiệp lớn.
Về quản lý phân bón, Bộ trưởng cho biết sau khi Quốc hội yêu cầu đưa về một bộ quản lý thì Thủ tướng đãgiao việc đó cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Có tới trên 14.000 sản phẩm phân bón, trong đó 96% là phân bón vô cơ. Cả nước có 706 nhà máy, công suất gấp 3 lần nhu cầu. Đây là vấn đề hết sức nặng nề, cần thu gọn đầu mối, gọn sản phẩm”, Bộ trưởng nói.
Hoài Phong