Samsung tính chi 800.000 USD đào tạo 1.000 DN Việt
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:07, 01/11/2017
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo Quốc hộivề kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2020.
Cụ thể, chỉ rõ vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy gắn kết theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất lớn của nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thu hút được đầu tư nước ngoài yêu cầu phải tạo được sự gắn kết, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp trong nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các Tập đoàn quy mô toàn cầu.
Đây là bài toán lớn cần được giải quyết một cách hiệu quả để bảo đảm tăng trưởng bền vững và hiệu quả cho lĩnh vực công nghiệp nói riêng và rộng hơn là nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.
Minh chứng trong lĩnh vực điện tử, Bộ trưởng nói rõ hiện nay, mới có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử cho Samsung tại Việt Nam, đây đều là những doanh nghiệp FDI, không phải là doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, trong nước mới có khoảng 25 doanh nghiệp nội địa là nhà cung ứng linh kiện cấp 1 cho Samsung.
Để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào hệ thống cung ứng của Samsung, Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng Chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tiềm năng cho Samsung.
Cụ thể, Samsung dự kiến đào tạo cho khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý sản xuất, quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới, với tổng kinh phí đào tạo khoảng 800.000 USD. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo sau đó sẽ có thể được đánh giá để trở thành các nhà cung cấp linh kiện (cấp 2 hoặc cấp 1) tiềm năng cho Samsung điện tử Việt Nam.
"Với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ Công Thương cũng đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp tương tự để từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối thị trường và trở thành các nhà cung cấp linh kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới mà Việt Nam có điều kiện và lợi thế tham gia", Bộ trưởng cho hay.
Tuyết Nhung