Mừng Cách mạng tháng Mười, Moscow chi 3 triệu USD chặn mưa

Quốc tế - Ngày đăng : 14:32, 03/11/2017

Chính quyền thành phố Moscow chi 3 triệu USD để giữ bầu trời thủ đô trong vắt, không có mây trong 3 ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 7.11.

Trong khi đó, Lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ sẽ tạm đóng cửa, không đón khách tham quan từ ngày 5 đến 7.11, khi thành phố tổ chức cuộc duyệt binh Ngày tôn vinh quân đội, theo hãng tin Interfax.

Máy bay phun hóa chất chặn mưa trên Quảng trường Đỏ

Cuộc duyệt binh ngày 7.11.1941 là thời điểm nổi tiếng, với bài phát biểu của lãnh tụ Josef Stalin động viên Hồng quân Liên Xô ở các mặt trận bên ngoài Moscow. Lúc đó, thủ đô Liên Xô đang bị phát xít Đức vây.

Năm 2017 cũng là dịp kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (1917-2017), đưa lãnh tụ Vladimir Lênin lên nắm quyền lực.

Theo Interfax, trong 3 ngày kỷ niệm, 10 máy bayvận tải của chính phủ Nga lãnh nhiệm vụ xua tan mây đen gây mưa trên khu vực Quảng trường Đỏ, bằng kỹ thuật “cấy mây” (cloud seeding) tức dùng các hóa chất vào đám mây, ép mưa xảy ra ở một địa điểm này vào một thời điểm nhất định, do đó mây không thể gây mưa ở địa điểm này.

Kỹ thuật “cấy mây tĩnh” sử dụng muối của i-ốt như Agl, Kl,carbon dioxide rắn (đá khô) đưa lên máy bay để “gieo”: các tinh thể muối Agl, Kl... khiến các giọt nước trong mây bám xung quanh chúng nở lớn và rơi xuống đất.

Các chiếc vận tải cơ An-12, An-26 và Yak-42 sẽ bay quanh Moscow để thực hiện kỹ thuật “cấy mây” này, gây ra mưa lập tức trước khi mưa ở Moscow.

Kỹ thuật này được áp dụng hàng năm, vào dịp duyệt binh Ngày Chiến thắng 9.5, là dịp kỷ niệm Hồng quân Liên Xô đánh thắng phát xít Đức hồi Thế chiến 2.

Theo Newsweek, hồi tháng 5.2017, lễ duyệt binh vẫn diễn ra, trong khi mưa to quanh khu vực và buộc không quân Nga phải hủy các cuộc bay biểu diễn trên bầu trời Moscow.

Lịch sử Ngày Cách mạng tháng Mười

Cách mạng Tháng Mười nổ ra tại Nga ngày 24.10.1917 (theo lịchJulius là ngày 7.11), do Lenin và Ðảng Bolshevik lãnh đạo, lật đổ Sa hoàng phong kiến, thiết lập chính quyền nhân dân (hội đồng Xô Viết)

"Tất cả chính quyền về tay Xô Viết!", "Ruộng đất, hòa bình và bánh mì!" là khẩu hiệu chính của cuộc cách mạng. Các hội đồng nhân dân (Xô Viết), với các đại biểu được bầu từ công nhân, được thành lập tại các địa phương. Liên minh công nông lần đầu giành chính quyền từ chính phủ tư sản, tự quyết định vận mệnh.

Nước Nga Sa hoàng sau Thế chiến 1 lúc đó lâm vào đói kém, với nông dân chiếm hơn 80% dân số nhưng sở hữu tài sản không đáng kể. Kinh tế sụp đổ, công nhân đói khổ, bị bóc lột thậm tệ, làm việc trong cảnh lầm than vẫn không đủ sống, binh lính bất mãn, tan rã…

Cả xã hội sôi sục, chỉ chờ dịp vùng lên. Nhiều cuộc cách mạng nổ ra bùng nhùng nhưng chưa đem lại kết quả. Nhiều cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu… Rồi cũng đến lúc Sa hoàng Nikolai II phải thoái vị vào tháng 2.1917, nhưng lên nắm quyền lại là giai cấp tư sản Nga. Cuộc cách mạng tháng Hai bị đánh cướp.

Sau Cách mạng Tháng Hai, tại Nga vẫn tồn tại song song hai chính quyền: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô Viết đại biểu công nhân và binh lính.

Các mục tiêu của cách mạng tháng Hai không đạt được. Phong kiến bị xóa, nhưng chính phủ tư sản lâm thời lên vẫn tiếp tục tham chiến, phớt lờ yêu cầu của nông dân, công nhân và binh lính về hòa bình, cải cách ruộng đất, xóa bỏ bóc lột… Mục tiêu thay đổi xã hội không đạt được, các vấn đề nhức nhối không được giải quyết…

Tất yếu dẫn đến một cuộc cách mạng khác, Cách mạng tháng 10. Lênin lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài, nhanh chóng rời lều cỏ Phần Lan về Petrograd đang sôi sục khí thế cách mạng.

Đêm 6.11, Lênin đến Điện Xmonyi trực tiếp chỉ đạo cách mạng, cướp chính quyền. Sau phát súng hiệu từ chiến hạm Rạng Đông, quần chúng và binh lính đông đảo kéo đến các trung tâm chính quyền, biểu dương và thị uy lực lượng. Hàng đoàn người đông đúc khí thế ngút trời, ào ào chiếm các trung tâm quyền lực ở Petrograd, Cung điện Mùa Đông…

Làn sóng đỏ của quần chúng như vũ bão, bao vây, trèo cổng, vượt qua chướng ngại, xông vào bắt nội các của chính phủ tư sản, kiểm soátchính quyền mà hầu như không tốn viên đạn, không bị tổn thất.

Quần chúng ở nhiều địa phương, cả Moscow, đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa, cướp chính quyền. Phong trào hừng hực, nối nhau giữa các thành phố, thôn quê. Chính quyền tư sản bỏ chạy. Đến đầu năm 1918, cách mạng thắng lợi hoàn toàn.

Tại Điện Smonyi, ngay trong đêm 7.11, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ hai khai mạc, tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết do Lenin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô Viết được thông qua gồm Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất, đáp ứng ngay yêu cầu bức thiết của quần chúng lao động. Dân chúng thấy rõ “chính quyền là của ta”, hồ hởi đi theo, ra sức bảo vệ…

Tháng 12.1917, Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao được thành lập, đưa ra đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngày 3.3.1918, nước Nga Xô Viết ký Hòa ước Brest-Litovsk rút khỏi Thế chiến 1.

Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, chính phủ Xô Viết ra Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc, khẳng định những nguyên tắc căn bản: Bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc. tự quyết, xóa bỏ đặc quyền và hạn chế về dân tộc và tôn giáo - dân tộc…

Liên minh công nông sát cánh giành chính quyền và xây dựng đất nước. Ngày 10.1.1918, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ 3 quyết định hợp nhất các Xô Viết đại biểu nông dân với Xô Viết đại biểu công nhân và binh lính, thông qua bản "Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột", làm cơ sở cho bản Hiến pháp đầu tiên, cải tổ nước Cộng hòa Xô Viết Nga thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga.

Chưa cam chịu thất bại, các thế lực phản động Bạch vệ với sự giúp đỡ của 14 nước đế quốc, ra sức phá hoại, bao vây, can thiệp nhằm lật đổ chính quyền Xô Viết từ trong trứng nước.

Trong tình thế khó khăn đó, Lênináp dụng chính sách cộng sản thời chiến, xây dựng Hồng quân công nông. Cuộc nội chiến diễn ra giữa Hồng quân và Bạch vệ từ đầu năm 1918 đến tháng 11.1920. Hồng quân, với sự ủng hộ to lớn của nhân dân, đã đánh tan Bạch vệ, nội phản, ngoại bang… giữ vững nước Nga Xô Viết.

Ngày Cách mạng Tháng Mười 7.11 từng được lấy làm Quốc khánh Liên Xô trong hàng chục năm. Sau nhiều biến cố, Liên Xô tan rã, ngày Cách mạng Tháng Mười 7.11 được lấy làm Ngày Hòa giải dân tộc, rồi nay là Ngày Đoàn kết Nhân dân, do Tổng thống Vladimir Putin lập năm 2015, và là một trong dịp lễ quốc gia hậu Xô Viết.

Mai Hà(theo Moscow Times, Newsweek)

Trần Trí