Lũ lên nhanh, miền Trung nguy cơ đối mặt thảm họa chưa từng có

Video - Ngày đăng : 12:27, 06/11/2017

Sau khi bão số 12 vừa tan, do hoàn lưu bão kết hợp với hàng loạt hồ chứa đầy nước xả lũ cấp tập, các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên mưa vẫn to làm ngập sâu nhiều khu dân cư, gây ách tắc giao thông nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Điều đáng lo ngại là hiện tất cả các sông hồ và đập thủy điện đều đầy, nhiều khu vực lũ gần đạt mức lịch sử.

Bão số 12 đổ bộ vào bờ với gió giật đo được cấp 12-13 đã gây thiệt hại lớn tại tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Trong 3 ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và tỉnh Gia Lai từ 500 - 600mm, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Nam và Bình Định trên 700mm, gây ngập lụt các vùng trũng, thấp, ven sông suối.

Hiện nay, mực nước hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh trên BĐ3 từ 1,2-1,3m. Theo cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp tại các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.

Nhiều địa bàn từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đã bị ngập lụt do mưa lớn. Tại Thừa Thiên-Huế, tuyến QL1 qua H.Phú Lộc ngập sâu, có đoạn gần 1m. Nhiều khu vực tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, đặc biệt là TP.Hội An (Quảng Nam) mưa lớn, kết hợp thủy điện xả lũ nên cả TP đang chìm trong biển nước, người dân chèo thuyền đi lại trong dòng nước cuồn cuộn đổ về.

Các tỉnh miền Trung vẫn đang có mưa vừa đến mưa to. Tính đến 6 giờ ngày 6.11, đang có 41 hồ ở Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ xả qua tràn.

Mưa bão cũng khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hư hỏng nặng. Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết đã đề nghị tiếp tục cho học sinh nghỉ học vào 6 và7.11. Nhiều đoạn đường trên tuyến Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở, dự kiến phải mất 3 - 5 ngày mới có thể khắc phục xong. Đến sáng nay, hàng chục thủy thủ mất tích khi tàu chìm tại Bình Định vẫn đang được tiếp tục tìm kiếm.

Về an toàn các hồ chứa, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) thống kê đến chiều qua, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đang có 35 hồ phải duy trì xả lũ. Tại Quảng Nam, các thủy điện tiếp tục xả lũ, khiến nước lên nhanh gây ngập cục bộ một số huyện, nhiều đoạn ngập sâu từ 1,5 - 2m, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà.Nhiều xã của H.Đại Lộc bị chia cắt hoàn toàn, khiến hàng ngàn hộ dân bị cô lập.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các thủy điện phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả lũ thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, trước khi bão đổ bộ, dọc tuyến miền Trung đã có mưa to đến rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, dự báo mưa to tiếp diễn 2-3 ngày tới khiến mực nước dồn về các hồ chứa lớn hơn tốc độ xả.

“Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tuyến khi cả hồ và sông đều đầy, nhiều khu vực lũ đã tiệm cận mức lịch sử năm 1997”, ông Cường cảnh báo.

Thực hiện: Một Thế Giới & SaigonTV

Nghia Tran