Bộ trưởng nông nghiệp: Một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu kinh nghiệm ứng phó bão

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:43, 06/11/2017

Chiều 6.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), đổ bộ vào đất liền tại khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào sáng4.11, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây gió giật mạnh nhất cấp 12-13; kèm theo gây mưa lớn từ 400-600 mm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 300-500 mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200-300 mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Cơn bão làm46 người chết, 15 người bị thương. Có 1.358 nhà sập, đổ (Quảng Ngãi: 1 nhà, Bình Định: 125 nhà, Phú Yên: 87 nhà, Khánh Hòa: 993 nhà, Gia Lai: 16 nhà, Đắk Lắk: 119 nhà, Đắk Nông: 14 nhà, Lâm Đồng: 3 nhà). Nhà tốc mái, hư hỏng: 114.866 nhà (Quảng Ngãi: 151 nhà, Bình Định: 616 nhà, Phú Yên: 14.504 nhà, Khánh Hòa: 97.930 nhà, Ninh Thuận: 65 nhà, Gia Lai: 140 nhà, Đắk Lắk: 1.334 nhà, Kon Tum: 27 nhà, Đắk Nông: 12 nhà, Lâm Đồng: 87 nhà).

Tại vùng biển Bình Định có10 tàu (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích. Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Khoảng 5.300 ha lúa, 14.850 ha rau mầu bị ngập, thiệt hại.

Chủ tich UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết địa phương có 8 tàu tàu vận tải chìm và 2 tàu mắc cạn. 8 tàu vận tải chìm ở phao số 0, trên tàu có 84 thuyền viên, cứu được 71 thuyền viên, còn 13 thuyền viên mất tích. Hiện nay đã tìm thấy 10 thi thể, còn 3 người vẫn mất tích.

"Đây là sự cố không thể lường trước được. Tại cảng Quy Nhơn, theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, chỉ có thể cho 30 tàu vào tránh trú được. Tuy nhiên, có tới 104 tàu hàng và tàu công suất lớn vào tránh bão, có nhiều tàu vào tránh trú không xin phép. Cảng vụ đã bố trí được 53 tàu vào tránh trú trong cảng, còn 51 tàu phải neo đậu ở phao số 0", ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hệ thống lưới điện cũng bị hư hại, trong đó, tại Phú Yên, toàn bộ trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng (đến nay đã được khôi phục và cấp điện). Khánh Hòa có 3.11 trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng (đến nay chưa khôi phục được do đường dây 110 KV có 13 cột bị gãy đổ và 10 cột bị nghiêng). Lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại là 24.435 lồng (Thừa Thiên Huế: 39 lồng; Quảng Ngãi: 23 lồng; Bình Định: 27 lồng; Phú Yên: 26 lồng; Khánh Hòa: 24.320 lồng).

Lý giải nguyên nhân thiệt hại lớn về người và tài sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơn bão Damrey có cường độ mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực này. Tuy nhiên, một số cấp chính quyền địa phương và người dân chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt và thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn; phương án ứng phó của một số địa phương chưa sát với thực tế.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết việc kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải còn nhiều bất cập, một số phương tiện, trang thiết bị còn thiếu…

"Hiện nay phải tiếp tục dồn sức vào bảo vệ hồ, điều hành hồ, sơ tán dân. Có nhiều hồ nước vẫn lên, phải chú ý đề phòng khả năng xấu nhất. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng hỗ trợ gạo cho người dân, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh thiệt hại khắc phục hậu quả", Bộ trưởng nói.

Nói tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư tỉnh Phú Yên cho biết tỉnh đang khắc phục hậu quả cơn bão và đề nghị Thủ tướng hỗ trợ 300 tấn gạo và 320 tỉ đồng.

Đại diện tỉnh Bình Định cũng cho biết, ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra gần 700 tỉ đồng và đề nghị được hỗ trợ một phần. Địa phương này đề nghị Thủ tướng hỗ trợ cứu đói 1.000 tấn gạo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ trên 26.000 tấn gạo cho Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa - 3 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiến nghị kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu đối với các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ khắc phục các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông; khẩn trương tổ chức ổn định các mặt về đời sống, sản xuất nhất là dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh.

Cùng với đó là vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án bảo đảm an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ, kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng ngập lụt và hạ du các hồ chứa khi có cảnh báo xả lũ, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tại hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã lên tiếng về phát ngôn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho rằng dự báo bão số 12 chưa chính xác.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Dự báo tâm bão vào Phú Yên, Khánh Hoà là đúng quá còn gì. Đến giờ này qua kiểm tra, công tác dự báo bão số 12 là chính xác. Các anh ấy dự báo rất sát, kể cả về hướng bão, tốc độ, cường độ bão, lượng mưa".

"Báo chí cũng nên có tiếng nói khách quan, không thể để một cá nhân phát biểu không có nhận thức đầy đủ làm ảnh hưởng cả hệ thống là không được. Báo chí phải có tiếng nói của báo chí", Bộ trưởng nói.

Hoài Phong

Trí Lâm