ĐB Ngọ Duy Hiểu: ‘Cán bộ năng lực yếu thì sợ đối thoại với dân’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:41, 07/11/2017
Phức tạp nhất là vấn đề đất đai
Theo Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày, tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 giảm nhiều trên hầu hết các tiêu chí như về số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan hành chính (giảm 8,5%), số đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 8,9%), số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (giảm 14,8%); tỷ lệ vụ việc được giải quyết và thực hiện kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng tăng so với năm 2016.
Tuy nhiên, diễn biến khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, gay gắt và khó lường; số đơn khiếu nại, tố cáo và việc tập trung đông người, bức xúc vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở; còn nhiều vụ tố cáovượt cấp…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thiếu tính nhất quán trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế; chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định; chưa bảo đảm hài hòa lợi ích trong thực hiện chính sách…
Đặc biệt, có tình trạng lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời…
Phát biểutại Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng nguyên nhân đơn thư khiếu nại liên quan đất đai nhiều là do công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đầu tư các dự án hạ tầng, sản xuất kinh doanh... còn nhiều hạn chế. Chất lượng lập quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu.
“Dự án treo còn nhiều, việc nhiều người dân sống trong vùng quy hoạchnênkhông được xây dựng, sửa chữa nhà cửa trong thời gian dài dẫn đếnbức xúc là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện, tố cáo trong thời gian dài”, bà Lan nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trước tình hình khiếu nại, tố cáo đông người diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các ngành, các cấp rà soát các vụ việc đông người, phức tạp trên phạm vi cả nước, từ đó đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm.
Trên cơ sở phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, Thanh tra Chính phủ lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiệncác cơ quan tiếp tục phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Nhiều cán bộ sợ đối thoại với dân
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủyban kinh tế Quốc hội cho rằng có tình trạng một số cơ quan chức năng có biểu hiện đùn đẩy trong giải quyết. “Không ít người đi khiếu nại phải bán hết tài sản để theo đuổi trong thời gian dài, có những người đời cha mẹ khiếu nại chưa xong lại chuyển sang đời con. Đây là mũi kim đâm vào da thịt, là sự nhức nhối nếu chúng ta đặt địa vị mình vào người dân đi khiếu nại”.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) cũng nêu câu hỏi: “Vì sao số lượng vụ việc giảm nhưng tính chất lại nghiêm trọng hơn?”Vị này cho rằng một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo là do công tác tiếp công dân chưa thấu tình đạt lý, khiến người dân mất lòng tin.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng nhận định chính việc thiếu sâu sát, gần dân, lắng nghe dân và đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ là một trong những nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo trong thời gian vừa qua.
“Cán bộ năng lực yếu rất sợ đối thoại với dân, sợ dân vạch ra những yếu kém của mình. Đối thoại không mất nhiều thời gian, tiền bạc nhưng có nhiều tác dụng,giúp yên dân. Nhiều cán bộ không chịu đối thoại với dân, xa dân”, ông Hiểu nói.
Vị này cho rằng, việc trong dân xảy ra hằng ngày, từ việc nhỏ đến việc bức xúc, phức tạp, hay “điểm nóng". Vấn đề là cán bộ cơ sở có thực sự sâu sát, gần dân, nắm bắt các vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân, cùng dân giải quyết khi các vụ việc mới manh nha hay không.
Đại biểu nàylấy ví dụ về việc Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã chủ trì buổi đối thoại với gần 300 tiểu thương ở chợ Sặt, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau vài giờ đối thoại, nhiều chính sách pháp luật đã được giải thích, chia sẻ, nhiều nguyện vọng của tiểu thương được giải quyết. Theo đó, vụ việc cơ bản khép lại sau 11 năm dân khiếu nại. Ngoài ra, còn có nhiều cuộc đối thoại với dân của cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng, gần đây là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo nhiều địa phương, ngành... đã làm hạ nhiệt nhiều điểm nóng.
Theo đó, vị này cho rằng khi dân yên, dân tin, dân ủng hộ thì làm việc gì cũng thành công.Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu các huyện, xã thực hiện nghiêm quy định đối thoại với người dân. Đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ không tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hoài Phong