Ngành giáo dục chưa có đề xuất tuyển sinh cho năm học tới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:54, 08/11/2017
Theo như quy định, chỉ tiêu vào các trường đầu cấp hiện nay đặc biệt ở Hà Nội sẽ phải có sổ hộ khẩu đúng tuyến, hoặc ít nhất phải có sổ tạm trú từ 3 năm trở lên học sinh mới được xin vào trường học gần đó, nhất là đối với các trường tiêu chuẩn có thương hiệu. Nếu không có hộ khẩu thì phải “chạy” học trái tuyến, rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí rất tốn kém và phải chấp nhận “thỏa hiệp” với tiêu cực.
Ngay cả khi Bộ GD-ĐT ra văn bản nghiêm cấm chuyện "chạy" trường, "chạy" lớp, học trái tuyến, tiếp đó là các sở GD-ĐT cùng đồng thanh siết chặt việc tuyển học sinh trái tuyến ở các cấp học từ năm 2016, thì chuyện “chạy” trường vẫn âm thầm diễn ra.
Trả lời cụ thể về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: "Vấn đề tuyển sinh tại Hà Nội đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Do quy định bỏ sổ hộ khẩu mới được đề cập nên Sở chưa xây dựng phương án tuyển sinh tiếp theo ra sao mà còn đang đợi hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT, Bộ Công an... Đến tháng 3.2018 chúng tôi mới công bố phương án tuyển sinh cho năm học 2018-2019, chưa biết thủ tục lúc đó thế nào" - ông Đại cho hay.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, một phụ huynh có con đang học cấp 2 tại một trường ở quận Cầu Giấy lo lắng: "Năm học tới con tôi lên cấp 3, giờ cũng khá hoang mang vì nhà tôi chưa có sổ hộ khẩu Hà Nội. Với quy định mới của chính phủ thì không cần sổ hộ khẩu nữa nhưng sẽ có mã số định danh cá nhân, không biết nhà trường có chấp nhận trường hợp đang thuê nhà của chúng tôi hay không?".
Chia sẻ về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu liệu sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: "Sở sẽ bàn bạc và đề xuất phương án tuyển sinh đầu cấp với UBND thành phố. Trong đó, sẽ ưu tiên những học sinh cư trú ở gần trường, đảm bảo cho việc di chuyển của học sinh thuận tiện nhất có thể, đồng thời làm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay. Kế hoạch tuyển sinh 2018, Sở chưa trình ủy ban nhưng theo chủ trương của Chính phủ về việc bỏ hộ khẩu thì sẽ nghiên cứu thêm nhưng rất sẽ linh hoạt trong viêc phân tuyến".
Đưa ra ý kiến của mình, ông Hiếu cũng cho rằng các trường tiểu học, THCS sẽ tuyển sinh lớp 1, lớp 6 đối với con em nhân dân đang cư trú trên địa bàn theo bán kính của nhà trường. Bán kính này rộng hay hẹp phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng học sinh trong độ tuổi trên địa bàn đó. Đối với những trường nổi tiếng nhưng lại nằm giáp ranh với những quận huyện khác, các quận cần có sự thống nhất để tuyển sinh ở những điạ bàn giáp ranh, sao cho người dân đi lại thuận tiện nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: "Trẻ em có quyền bình đẳng trong học hành, trong chọn trường chọn lớp. Tuy nhiên, thủ tục sổ hộ khẩu cản trở nhiều quyền lợi của các em khi không được tiếp nhận vào trường công nếu không có hộ khẩu thường trú ở nơi đó. Hiện nay, đối với cấp 1, 2 việc tuyển sinh ở trường công lập không khắt khe lắm nhưng đến cấp 3 thì việc phân luồng, tuyến chặt chẽ hơn và có yêu cầu hộ khẩu. Đây cũng là vấn đề dễ hiểu bởi số lượng các trường tại Hà Nội là có hạn và khi đặt mình vào cương vị người quản lý sẽ hiểu."
Theo thông tin báo chí, đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được cập nhật, đưa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Đến hết năm 2020 sẽ phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như: giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan.
Như vậy, việc tuyển sinh không cần sổ hộ khẩu mà chỉ dựa trên mã số định danh cá nhân đối với ngành giáo dục không thể được thực hiện một sớm một chiều và việc "chạy trường" chưa thể kết thúc ngay như kỳ vọng của các chuyên gia giáo dục.
Dạ Thảo