Trung Quốc bí mật thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Quốc tế - Ngày đăng : 14:24, 10/11/2017
Trung Quốc ngày 5.11 thông báo sẽ đóng cửa không phận của một vùng trên sa mạc Gobi trong ngày 6.11. Thời gian đóng cửa không phận là 53 phút, kết thúc vào lúc 9 giờ (giờ địa phương).
SCMP cho biết khu vực bị đóng cửa không phận là nơi Bắc Kinh từng tiến hành nhiều vụ phóng thử tên lửa đánh chặn từ mặt đất, tên lửa tầm cao và thậm chí là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong đó có Đông Phong- 41 (DF- 41), tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của nước này.
DF- 41 là một trong những vũ khí tiên tiến của quân đội Bắc Kinh. Tên lửa có tầm bắn 12.000km, đủ sức vươn đến bất cứ đâu trên nước Mỹ và được trang bị hai phương tiện tái nhập khí quyển nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) có khả năng mang nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu khác nhau.
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thôngTrung Quốc cho biết DF- 41 đã được đưa vào phục vụ cho đơn vị tên lửa mới thành lập (tiền thân là lực lượng Pháo binh số 2) vào cuối năm 2016- đầu năm 2017.
Phía Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng xác nhận có thử tên lửa, SCMP cho biết.
Theo ông Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự của đài truyền hình Phượng Hoàng, cựu quân nhân của lực lượng Pháo binh số 2, việc đóng cửa không phận hôm 6.11 có khả năng lớn là để quân đội nước này phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và rất có thể chính là để thử DF- 41.
Ông Chu Thành Danh, nhà bình luận quân sự sống tại Bắc Kinh, cũng cho rằng Trung Quốc đã cho thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ông không loại bỏ khả năng Trung Quốc muốn khoe sức mạnh quân sự trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump, điều mà nước này đã từng làm khi đón tiếp quan chức cấp cao của Mỹ.
Ví dụ tiêu biểu nhất chính là vụ Trung Quốc cho máy bay tàng hình J- 20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1.2010, khi mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến thăm Bắc Kinh.
Nhà bình luận Chu đánh giá vụ thử tên lửa đạn đạo ở sa mạc Gobi là nhằm thể hiện khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc: "Trung Quốc, Mỹ, Nga trong vài năm gần đây đã âm thầm cạnh tranh về công nghệ tấn công tầm xa. Trung Quốc với tư cách là một trong 3siêu cường của thế giới, cần có thứ gì đó để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân”.
Nhưng theo nhà bình luận họ Tống, việc Bắc Kinh thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngay trước thềm chuyến thăm của ông Trump chỉ là chuyện trùng hợp, vì vụ thử tên lửa đã được lên kế hoạch từ trước khi lịch trình thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ được đưa ra.
Ông Tống cho hay: “Những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa rất phức tạp, yêu cầu nhiều phòng ban làm việc và phối hợp với nhau. Vụ thử (trên sa mạc Gobi) này có thể đã được lên kế hoạch từ năm 2016, trong khi lịch đến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ chỉ vừa được xác nhận hai tháng trước”.
Ông cũng cho rằng vụ thử tên lửa mới nhất này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng nâng cao khả năng hạt nhân trong bối cảnh lần lượt Mỹ và Nga đều có nhiều vụ thử trước đó.
Nga vào cuối tháng 10 đã phóng thử 4 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, một trong số đó được Bộ Quốc phòng nước này xác nhận là RS- 28 Sarmat, loại tên lửa mà Nga cho biết có khả năng đến 12 đầu đạn hạt nhân.
Trước đó vào tháng 8, Mỹ cũng đã thử thành công Minutes Man 3, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhanh nhất thế giới.
SCMP cho biết ngoài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hệ thống phòng thủ tên lửa, Trung Quốc cũng đang đuổi theo Mỹ trong phát triển các thiết bị quân sự siêu thanh. Trong tháng 10, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng một loạt chương trình giới thiệu các tính năng của loại ống đẩy gió siêu thanh JF- 12 và tiết lộ nhiều mẫu máy bay thử nghiệm loại công nghệ này.
Cẩm Bình (theo SCMP)